Na Chi Lăng vào mùa, làm thế nào để nhận diện: Đã có tem truy xuất

Chang Liễu Thứ bảy, ngày 11/08/2018 13:18 PM (GMT+7)
Na Chi Lăng đã trở thành hàng hoá đặc trưng riêng có của tỉnh Lạng Sơn với diện tích trên 2.800 ha, sản lượng đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng. Hiện nay nhiều diện tích na đã và đang được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Bình luận 0

Đi lên từ vạt na

Cây na dai Chi Lăng được bà con trồng tập trung tại các xã, thị trấn của 2 huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng trồng trên những sườn núi đá vôi, thung lũng...trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Những quả to đều, đẹp được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Na Chi Lăng nổi bật có tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng trồng na. Vì quả na Chi Lăng khi chín mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường, dinh dưỡng cao. Với giá thị trường như hiện nay các nhà vườn trồng na bán trung bình 30.000đ/kg quả ngay tại vườn, cao điểm vào những ngày đầu vụ giá bán lên tới 60.000-80.000 đồng/kg. Có những hộ dân thu nhập từ bán na lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Thật, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: “Dân ở đây sống bằng quả na là chính. Cây na đã được trồng ở đây từ lâu nhưng trước đây người dân trồng và chăm sóc chưa có kỹ thuật, na ra hoa thụ phấn tự nhiên nên quả chín rộ trong một khoảng thời gian ngắn nên không được giá. Hiện tại người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn, sản xuất na theo tiêu chuẩn nên quả na đều đẹp và chất lượng hơn. Nhờ cây na mà nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên ở dưới chân núi Cai Kinh này”.

Để duy trì diện tích năng suất và sản lượng Na Chi Lăng, trong những năm qua các tổ chức chính trị xã hội, Hội Nông dân đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện và Sở khoa học và Công nghệ, Viện rau quả Trung ương tuyên truyền vận động, xây dựng và triển khai nhiều mô hình, các đề tài khoa học nghiên cứu để phục tráng, phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho cây na và chế biến bảo quả na sau thu hoạch. Mở các lớp tuyên truyền, tập huấn về quy trình kỹ thuật chăm sóc na, kỹ thuật đốn tỉa cành, kỹ thuật thụ phấn cho các hộ trồng na, phong trào nông dân làm giàu từ cây na đã lan tỏa mạnh mẽ theo hướng sản xuất tập trung hướng tới thị trường.

img

Chính những vạt na trên dãy núi Cai Kinh đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân Chi Lăng.

Giờ đây người trồng na đã biết sử dụng phương pháp mới để tăng năng suất cây na, vào khoảng thời gian trung tuần tháng 11 sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây na, chỉ để cây na cao khoảng 1,5 - 1,8 m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió; không tốn thức ăn để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung vào thân và cành cấp một cây na cũng dễ thụ phấn và dễ thu hoạch hơn. Các giống na bắt đầu chín từ trung tuần tháng 5 âm lịch đến tháng 9 âm lịch, thu hoạch rộ và khoảng tháng 6-7 âm lịch. Nhờ những vạt na xanh ngắt trên dãy núi Cai Kinh mà cuộc sống người dân Chi Lăng khấm khá lên từng ngày.

Mở rộng SX và dán tem truy xuất

Để xây dựng và quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương các cấp ngành đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ trồng na tham gia sản xuất na an toàn theo hướng nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP.

img

Niềm vui của những người dân trồng na khi thu được những thành quả sau thời gian dài lao động vất vả.

Hội Nông dân và các xã, thị trấn vùng na đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức về sản xuất na an toàn theo hướng sản xuất VietGAP và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây na. Hợp đồng với Trung tâm chất lượng nông lâm sản vùng 1 xây dựng kế hoạch để tổ chức chứng nhận lại các diện tích sản xuất Na theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Chi Lăng với quy mô 8,34 ha và xã Chi Lăng với quy mô 30 ha. Xây dựng kế hoạch để mở rộng thêm diện tích được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha tại xã Mai Sao, xã Chi Lăng được chứng nhận sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2018; 25 ha tại huyện Hữu Lũng.

Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các nhóm hộ duy trì các vườn mẫu sản xuất Na theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, vườn mẫu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho các hộ thực hiện vườn mẫu được 5 tấn phân vi sinh để chăm sóc na, xây dựng hệ thống biển bảng để giới thiệu đến các đoàn thăm quan. Đồng thời tổ chức cung ứng được 2.200 cây na thái mở rộng vùng trồng na giống mới.

img

Những quả na này sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc để giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận dạng được sản phẩm mang thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam - Na Chi Lăng.

Đặc biệt sản phẩm na của bà con sẽ được dán bao bì, tem nhãn bao gói, truy suất sản phẩm Na Chi Lăng cho các Tổ hợp tác, Ban VietGAP, HTX sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tổ hợp tác sản xuất na an toàn. Dự kiến sản lượng năm 2018 đạt 27.000 tấn, trong đó sản lượng Na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn; sản lượng Na theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 48 tấn; với hơn 25.400 tấn sản phẩm Na Chi Lăng còn lại đều đã được các hộ cam kết sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Theo bà Hà Thị Thủy, chủ tịch HND huyện Chi Lăng: Với sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, huyện Chi Lăng sẽ tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na để giúp người tiêu dùng phân biệt thương hiệu na Chi Lăng. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc để tránh tình trạng nhái thương hiệu Na Chi Lăng. Theo đó là hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch và các thị trường ngoài nước khác. Sản phẩm Na Chi Lăng đang dần khẳng định được vị trí và xứng đáng là đặc sản của Xứ Lạng - thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem