Sởn da gà trước biểu tượng kinh dị của điện ảnh Hollywood (2)

Phan Ca Thứ năm, ngày 29/10/2015 07:00 AM (GMT+7)
Nội dung cho phim kinh dị hầu như không bao giờ thiếu, các nhà làm phim luôn tìm ra một nỗi sợ hãi mới của con người để tập trung khai thác, khắc họa nó với mức độ kinh dị nhất. Nhu cầu xem phim kinh dị vẫn luôn sôi sục mỗi năm, nhất là vào mùa Lễ hội Halloween.
Bình luận 0

>> Xem bài trước: Dòng phim Ma ám - biểu tượng kinh dị của điện ảnh Hollywood

Quái vật/Yêu ma/Sinh vật kỳ bí

Những quái vật, yêu ma trong các huyền thoại dân gian, các tác phẩm văn học nổi tiếng là thể loại được khai thác nhiều nhất trong phim ảnh, và được khai thác đi khai thác lại trong suốt chiều dài lịch sử. Những bộ phim về Ma cà rồng, Frankenstein đã xuất hiện từ những năm Điện ảnh mới ra đời và không thập niên nào không có phim làm lại.

Dòng phim quái vật/yêu ma thường mang cấu trúc cộng sinh với phim điều tra tội phạm hoặc phim khoa học viễn tưởng. Trong các phim kiểu này, cộng đồng người sau nhiều lần bị tấn công sẽ bắt đầu nhận thức sự tồn tại của quái vật, nhận ra được lối sống của nó, nghiên cứu đào sâu và tìm ra các điểm yếu để tiêu diệt nó.

Ma cà rồng/Người sói

Đây là hai đối tượng được các nhà làm phim ưu ái nhất, được xuất hiện trên màn bạc cũng như truyền hình hàng trăm lần. Riêng Bá tước Dracula phải có hơn 170 phim dành riêng và hầu hết phim trong số đó có tiêu đề mang tên hắn.

img

Người sói trong "Theo Howling"

Theo các cấu trúc truyền thống, hai sinh vật này có khá nhiều điểm tương đồng. Chúng đều từng là người, có thể hôm qua, chúng còn chính là bạn bè, anh chị em, vợ chồng với nhân vật chính. Ngày hôm sau, sau khi bị tấn công bởi một ma cà rồng/ma sói, chúng trở thành quái vật, khao khát giết người tàn bạo.

Những huyền thoại dân gian về Ma cà rồng hay Ma sói đều được coi là phát sinh từ những nỗi sợ của con người về cái chết, về những căn bệnh kỳ lạ không thể giải đáp, về khả năng người chết hồi sinh nhưng không còn là con người nữa. Nhưng những câu chuyện này thường cũng mang màu sắc hết sức lãng mạn khi khắc họa sâu sắc quan hệ giữa người và yêu quái, về sự day dứt và trăn trở của người sống đối với những người thân đã biến chất rồi.

Quyền lực phi thường khi trở thành Ma cà rồng/Ma sói cũng là đặc điểm ấn tượng của thể loại này. Biến chất nhưng lại mang sức mạnh vượt trội so với con người, Ma cà rồng/ Ma sói còn là biểu tượng của những con người sa ngã, những tội lỗi đầy quyến rũ và mê hoặc, dễ dàng lôi kéo những nhân vật yếu đuối vào thế giới của chúng. Nhưng đó cũng là lối đi một chiều, chỉ có rơi vào mà không thể thoát ra.

Những bộ phim kinh điển về Ma sói và Ma cà rồng có thể kể đến Nosferatu (1922), Dracula (1931), Fright Night (1985), The WolfMan (1941), The Howling (1981), … Trong những năm gần đây, hai đối tượng này vẫn được khai thác rất nhiều nhưng ngày càng lãng mạn hóa hoặc bi kịch hóa, không còn mang nặng yếu tố kinh dị như xưa.

Frankenstein

img

Nam diễn viên Boris Karloff trong hình tượng Frankenstein

Frankenstein – kẻ hồi sinh xác chết được vinh dự lấy tên để đại diện cho hẳn một dòng phim kinh dị. Ra đời năm 1818, cuốn tiểu thuyết rùng rợn này đã được chuyển thể lên màn ảnh ít nhất 22 lần, chưa kể hàng ngàn lần tên quái vật được xuất hiện như vai phụ trên các phim điện ảnh và truyền hình khác. Nhưng không chỉ những phim liên quan tới tên quái vật mang tên “The Thing” này mới được xếp vào dòng Frankenstein.

Tác phẩm kinh điển Frankenstein đánh vào một nỗi sợ khác luôn song hành với sự phát triển của loài người: đâu là giới hạn đạo đức của khoa học, và liệu con người có đủ sức kiểm soát những gì chính họ tạo ra?

Hình tượng Frankenstein cũng được gợi cảm hứng cho rất nhiều phim khác dù không hẳn thuộc dòng kinh dị. Con người liên tục bị đe dọa bởi các hậu duệ của mình như loài Khỉ thông minh trong loạt Planet of the Apes (1968 – 2007), nhân bản người trong The 6th Day (2000), The Island (2005), robot trong Blade Runner (1982) hay Avengers: Age of Ultron (2015).

Một điểm chung dễ thấy của loại phim Frankenstein là phim luôn đào sâu mối quan hệ mang tính cha-con của nhà khoa học trực tiếp chế tạo ra sinh vật với sinh vật đó. Dù sinh vật luôn cảm nhận được tình cảm của “người cha” và phần nào quyến luyến, nhưng chúng cũng hận thù bởi chúng đâu đòi được sinh ra trong cô đơn, và cuối cùng vẫn luôn đi theo tiếng gọi của bản năng, bất chấp sự sống của loài người hay chính người cha.

Quái vật khổng lồ/Người ngoài hành tinh

Một dạng khác có những đặc điểm gần giống với Frankenstein, “do con người tạo ra”, nhưng lại khác rất nhiều về bản chất, đó là dạng đề tài sinh vật đột biến. Bởi không được người ta cố tình tạo ra, chúng không có mối quan hệ cha – con với con người, thay vào đó là quan hệ cạnh tranh lãnh thổ. Chúng thường là hậu quả của sự ô nhiễm lâu năm, thể hiện sự thoái hóa của môi trường, hay sự trả thù của tự nhiên đối với sự lan tràn cẩu thả của loài người. Phim đại diện cho dòng này có thể kể tới King Kong (1933), Godzilla (1954), Attack of the 50 feet woman (1958), The Host (2006)…

img

Cùng cấu trúc cạnh tranh lãnh thổ, các cuộc chiến với người ngoài hành tinh cũng có sức hút lâu dài. Loạt phim Alien ra mắt từ năm 1979 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng sản xuất. Đến nay, biểu tượng những tên não dài biết ký sinh này vẫn đe dọa ác mộng của bao người. Mars Attacks (1996), War of the Worlds (2005), Edge of tomorrow (2014) cũng đem lại cho khán giả nhiều biểu tượng người ngoài hành tinh hiếu chiến bất hủ.

Zombie

img

Cảnh trong "Resident Evil"

Zombie – xác sống chắc chắn được đứng riêng một mình một đất bởi đến nay đã có hơn 400 phim làm về thể loại này. Khởi đầu, Zombie cũng như những yêu ma khác, chỉ đơn giản là nỗi sợ của con người trước việc người chết quay lại cuộc đời, nhưng không còn là con người nữa. Nguồn gốc của Zombie cũng khá gần với Frankenstein: thường xuất phát từ một nghiên cứu của con người trên xác chết, nhằm đạt được những bước tiến về y học. Tuy nhiên, hậu quả của thí nghiệm đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người và trở thành một thứ bệnh dịch không sao ngăn chặn được.

Zombie có tạo hình truyền thống là một xác chết di động, vô hồn, không thể tư duy, với nhiều phần thân thể đã phân rã hoặc rụng rời.Zombie thường có sức mạnh phi thường, không đau đớn vì không thể chết thêm lần nữa, cách duy nhất vô hiệu hóa chúng là bắn vỡ đầu, cắt nhỏ, nổ tung…

Nhưng điều đáng sợ nhất ở Zombie không phải là những nét ghê tởm đó, điều quan trọng là chúng lây lan nhanh như virus vậy.

Max Brooks – tác giả cuốn sách World War Z được dựng thành phim năm 2013 chia sẻ: “Chúng đáng sợ hơn cả vì chúng chẳng có quy luật gì. Ma sói hay Ma cà rồng, hay Cá mập khổng lồ, hay xác ướp, chúng là những kẻ săn mồi, chúng luôn biết giết chóc trong giới hạn để hồi phục đất săn. Còn Zombie chỉ lan tràn, chỉ nhân rộng như virus, chúng không thể suy nghĩ và không thương xót.”

Các bộ phim kinh điển thuộc thể loại này: Night of the Living Dead (1968), Dawn of the Dead (1978), Zombie (1979), loạt phim vẫn đang tiếp tục sản xuất Resident Evil (2002), 28 Weeks Later (2007), I am Legend (2007), World War Z (2013).

Kẻ giết người hàng loạt

Dòng phim cuối cùng nhưng không hề kém fan so với các loại khác tập trung vào kẻ đáng sợ nhất trên trái đất: Con người. Những bộ phim này luôn kèm theo cảm giác kinh tởm bên cạnh sự sợ hãi, bởi người xem luôn tự hỏi: Tại sao con người có thể làm thế với nhau?

Slasher

Dòng phim kinh dị hạng B này chỉ tập trung vào miêu tả những cái chết đau đớn và ghê tởm. Kẻ giết người trong những phim này thường giấu mặt, không có danh tính, không bao giờ bị bắt, thường mặc một bộ trang phục kèm mặt nạ rất đặc biệt và trở thành những biểu tượng vĩnh cửu trong điện ảnh rùng rợn.

img

Dù chỉ tập trung khắc họa vào những cái chết tàn bạo, vô nhân tính, kiểu phim Slasher vẫn được rất nhiều người hâm mộ, thường là những người rất cứng bóng vía và ít quan tâm tới nội dung phim. Halloween (1978), Friday the 13th (1980), A Nightmare on Elm Street (1984), Scream (1996) là biểu tượng của dòng phim này.

Mang nhiều giằng xé hơn nhưng cũng không kém phần man rợ là loạt phim Saw với hơn 6 phần từ năm 2004 tới 2009. Loạt phim Saw từng khiến không ít khán giả ói mửa ngay trong rạp chiếu vì độ khiếp khủng của hình ảnh và mức độ căng thẳng của tình huống.

Tâm thần/Đa nhân cách

Đây là loại phim kinh dị có cấu trúc cộng sinh với phim điều tra hình sự kết hợp với tâm lý học. Loại phim này tập trung khắc họa một nhân vật phức tạp, thường có hai cuộc sống, một mặt thì đẹp đẽ, lịch sự, tử tế, đôi lúc còn yếu đuối, mặt khác lại là tên sát nhân tàn bạo.

Phim khởi đầu của dòng phim này là chuyển thể của tác phẩm kinh điển cùng tên Dr Jekyll and Mr Hyde (1908). Bộ phim tiếp theo đi kèm với lời dẫn giải khoa học rất dài là Psycho (1960), tác phẩm được coi là cách mạng về phương pháp làm phim và kiến tạo một lượng fan đông đảo cho thể loại phim kinh dị tâm thần. Từ đó tới nay, những bộ phim khắc họa các hoàn cảnh tương tự nhiều vô số kể, trong đó tiêu biểu như The Shining (1980), The Changeling (1980), Hide and Seek (2005).

img

Cảnh trong "The Shining"

Trong thể loại này, Hannibal Lecter nổi lên như một tượng đài, một kẻ tâm thần giết người hàng loạt nguy hiểm nhất mọi thời đại. Được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết của tác giả Thomas Harris, Hannibal đã xuất hiện trong 5 phim điện ảnh và một series phim truyền hình suốt từ năm 1986 tới nay. Loạt phim đã đem về các giải thưởng cao quý trong đó có Oscar, còn series truyền hình thì nhận được không ngớt lời khen từ các nhà phê bình và khán giả.

Các tác giả và nhà làm phim đã tạo nên một lượng fan đông đảo cho tên bác sĩ lạnh lùng này và đến nay, sức hút vẫn chưa hề giảm. Dù loạt phim truyền hình đã tạm ngưng nhưng người xem vẫn còn chưa thôi nuối tiếc và mong chờ phần kế tiếp.

Kết

Bên cạnh những dòng phim trên, còn một vài dòng phim pha lẫn kinh dị khác như phim về sinh vật hung dữ (Khủng long, Cá mập,…), phim về các nghi thức cuồng tín (The Wicker Man (1973),The Sacrament (2014) …), phim thảm họa tự nhiên hay nhân tạo… Mỗi loại phim đều có một lượng fan riêng hâm mộ bằng nỗi sợ hãi của chính mình. Tuy nhiên, cũng như nhiều thể loại phim khác, phim kinh dị cũng đang đứng trước thách thức tìm ra ý tưởng mới đột phá, khi các ý tưởng cũ đang được xào đi xáo lại tới mấy chục lần.

Một xu hướng dễ nhận thấy của 5 năm trở lại đây là sự lên ngôi của các series phim kinh dị trên truyền hình. Loạt American Horror Stories đang phát sóng tới mùa thứ năm và độ háo hức của fan không có dấu hiệu thuyên giảm. Loạt phim Hannibal đã chạy 3 mùa và vẫn đang được cân nhắc sản xuất tiếp. Bates Motel cũng sẵn sàng sản xuất mùa thứ 4 khi mùa 3 kết thúc. Có thể thấy, chuyển thể phim kinh dị lên truyền hình là một cách thoát thân rất hay của các nhà sản xuất, vừa làm mới được câu chuyện cũ, vừa khai thác thế hệ fan hâm mộ mới. Người ta đang trông chờ nhiều series mới về những nhân vật thân thuộc sẽ lên sóng trong nay mai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem