Sơn La: Cạn kiệt nguồn tài nguyên đất

Thứ năm, ngày 24/05/2012 13:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ nhiều năm qua, bà con nông dân ở Sơn La đã mở rộng diện tích canh tác trên nhiều khu vực đất dốc. Việc canh tác này đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đất do bị rửa trôi hàng năm.
Bình luận 0

Mất 170 tấn đất/năm

Trước đây, diện tích sản xuất ở Sơn La chỉ tập trung tại các vùng đất thấp, nhưng hiện nay đã leo lên cả đồi núi cao có độ dốc lớn. Việc canh tác trên vùng đồi, núi dốc cao đã ảnh hưởng rất lớn tới sự thay đổi của môi trường và gián tiếp gây ra những hậu quả thiệt hại đáng tiếc do thiên tai.

img
Nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La xen canh cây đậu đen trên nền đất dốc, tăng thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm.

Hiện trên các diện tích đất dốc ở Sơn La, bà con nông dân đang chủ yếu canh tác ngô. Qua khảo sát, nghiên cứu và đánh giá, các nhà khoa học đã chứng minh rằng: Đất ở Sơn La thuộc vào loại màu mỡ nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chính vì vậy, nhiều loại cây trồng vẫn đang phát triển mạnh. Song khi nghiên cứu trên các diện tích đang canh tác, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo rằng: Đất ở Sơn La cũng đã và đang bắt đầu dần bị cạn kiệt và thoái hóa.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học về đất của Trường Đại học Hohenheim (Đức) và Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội tiến hành tại xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu), cho thấy: Lượng đất bị trôi đi trong vụ ngô năm 2010 lên đến 170 tấn/ha, và cứ với đà này, nếu không có biện pháp ngăn chặn, cũng như phục hồi thì khoảng 15-20 năm nữa vùng đất này sẽ không thể canh tác được.

Kỹ thuật canh tác trên đất dốc

Để canh tác bền vững trên đất dốc, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra 3 biện pháp kỹ thuật, đó là: Kỹ thuật che phủ đất, kỹ thuật tiểu bậc thang, kỹ thuật trồng xen các loại cây họ đậu trên diện tích đất có độ dốc lớn. Cụ thể:

Kỹ thuật che phủ đất bằng chính thân các loại cây trồng đã thu hoạch, gồm: Rơm rạ, thân cây ngô hoặc cỏ rác, xác thực vật khô là một cách làm đơn giản, dễ thực hiện. Việc che phủ không chỉ ngăn chặn sự xói mòn của đất mà còn tăng độ ẩm, khống chế cỏ dại mọc, sau khi lớp che phủ phân hủy tạo ra độ mùn và tăng cường hoạt tính sinh học cho đất. So sánh đối trứng diện tích đất che phủ và diện tích đất không che phủ, năng suất diện tích che phủ tăng 30 – 60% đối với ngô, và tăng 30 – 70% đối với lúa nương.

Bà Lò Thị Hặc - một nông dân ở bản Bó Kía, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) cho biết: Các năm trước, gia đình bà trồng ngô trên diện tích 800m2 đất nương dốc, thu được khoảng 300kg ngô hạt. Năm nay, cũng diện tích ấy nhưng trồng xen lạc, ngô hạt thu được gần 400kg, lạc thu được gần 40kg (lạc củ).

Kỹ thuật tiểu bậc thang: Làm các bậc thang đồng mức phù hợp với từng loại cây trồng, chống sự rửa trôi đất màu. Kỹ thuật này nếu được kết hợp với kỹ thuật che phủ đất và trồng xen cây họ đậu, đã giảm mức độ rửa trôi từ 100% xuống còn 6,3%, năng suất tăng từ 27,3 – 57,3%.

Kỹ thuật trồng xen những loại cây họ đậu như: Đậu tương, lạc, đậu mèo, đậu nho nhe, cỏ Stylô, cỏ Ruzi, lạc lưu niên, muồng lá tròn kép. Biện pháp kỹ thuật này đã giảm xói mòn của đất từ 71 – 86,9%, năng suất tăng từ 59 – 125% so với không trồng xen.

Ông Vàng Lao Chá - một nông dân ở bản Bó Kía, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) cho biết: “Gia đình tôi tham gia làm mô hình 1.000m2, đầu vụ năm nay hạn hán đến gần một tháng không có mưa tưởng ngô chết hết, nhưng nhờ có lớp cây che phủ nên ngô mới sống được. Tôi trồng theo hướng dẫn kỹ thuật làm rạch nhỏ, phủ thân ngô và cỏ. Trước đây thu ngô xong thì đốt hết, nay dùng thân ngô phủ lên các rạch ngô, nên không phải làm cỏ, đất lại ẩm và xốp hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem