Sơn La có một thứ nhiều nhất cả nước, lại bán đi khắp Âu, Mỹ thu bộn tiền

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ năm, ngày 16/12/2021 07:48 AM (GMT+7)
Thương hiệu cà phê Sơn La đang ngày một lan toả rộng khắp trên nhiều thị trường trong nước và thế giới, từng bước tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ...
Bình luận 0

 Cà phê Sơn La diện tích lớn nhất miền Bắc 

Cà phê Sơn La đã và đang trở thành mặt hàng nông sản chủ lực, giúp người nông dân Sơn La nâng cao thu nhập.

Theo thống kê, Sơn La có diện tích 20.000 ha cây cà phê, sản lượng cà phê chè lớn nhất cả nước. Năm 2021 sản lượng cà phê ước đạt từ 40.000 - 45.000 tấn nhân, trị giá 3.500 - 4.000 tỷ đồng. .

Hiện nay, cây cà phê ở Sơn La tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. 

Hơn 16.500 ha cà phê đã được cấp chứng nhận UTZ; 88 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 97 ha cà phê đặc sản. 

Cà phê Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, cây cà phê trở thành cây trồng chủ lực giúp hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Tuệ Linh.

Năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm, như: Cà phê nhân sống; cà phê hạt rang và cà phê bột. Là sản phẩm đặc sản vùng miền; 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Việt Nam. Được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững, thay thế các giống cà phê mới cho giá trị kinh tế cao, thay thế cây trồng già cỗi, xuống cấp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 2.

Cà phê Sơn La được khách hàng đánh giá cho chất lượng tốt. Ảnh: Mùa Xuân.

Niên vụ này, cà phê Sơn La được mùa, được giá, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 26.500 tấn sang thị trường các nước: Đức, Mỹ, Ấn Độ…

Định hướng của Sơn La là phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 3.

Diện tích cây lương thực trên địa bàn tỉnh Sơn La được phủ xanh bởi cây cà phê. Ảnh: Tuệ Linh.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 5 đơn vị tham gia chế biến sâu, gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH sản xuất thương mại Cát Quế, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh, HTX Bích Thao.

Còn lại sản lượng cà phê quả tươi do các hộ trồng cà phê tại Sơn La tự chế biến bằng các máy xát quả tươi với quy mô nhỏ, công suất từ 1,5 - 2 tấn quả tươi/giờ; chưa đáp ứng nhu cầu chế biến trong vụ thu hoạch, chất lượng kém không đồng đều, khó kiểm soát được chất lượng…

Nhiều giải pháp phát triển cà phê Sơn La bền vững

Là một trong những HTX cà phê đi đầu trong việc liên kết với nông dân và chế biến sâu của tỉnh Sơn La, sản phẩm cà phê của HTX Cà phê Bích Thao đã đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia; xây dựng được thương hiệu trên thị trường thị trường Châu Âu; Nhật Bản.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (Người đứng bên trái ảnh) tham quan gian hàng sản phẩm cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La được trưng bày tại ngày hội cà phê thành phố Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, chia sẻ: HTX trồng cà phê giống mới hữu cơ từ năm 2017. Năm 2018, HTX đã liên kết với Trung tâm giống cây trồng Tây Nguyên đưa giống cà phê THA1 và N6, N7, N9, N10 về trồng.

Hiện tại, HTX đang trồng 5 loại cà phê giống mới, với trên 60 ha giống cà phê THA1, TN10, N9. Các loại giống mới này cho quả to đều, năng suất đạt từ 25 - 30%/ha, hàng xuất khẩu đạt 80%. 

HTX Bích Thao đang chuyển từ cà phê chế biến chất lượng cao sang chế biến cà phê đặc sản. Bởi, thị trường trong nước và quốc tế, sản lượng cà phê đặc sản toàn cầu từ các trang trại, nông trại mới đạt tỷ lệ 12%.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 5.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm cà phê được trưng bày tại ngày hội cà phê diễn ra từ ngày 10 - 11/12 tại thành phố Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, Sơn La là tỉnh đứng thứ hai của cả nước về trồng cà phê Arabica. Hiện nay hầu hết diện tích trồng đã đến cuối chu kỳ khai thác.

Để nâng cao chất lượng, cũng như thương hiệu cà phê Sơn La có chỉ dẫn địa lý, trong thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển cà phê bền vững.

Theo đó, tỉnh chú trọng công tác tái canh, bao gồm các biện pháp đồng bộ từ khâu giống đến các biện pháp canh tác và chăm sóc để tiến tới cấp mã số vùng trồng.

Chắp cánh cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn xa - Ảnh 6.

Hiện nay, để nâng cao thu nhập, người dân trồng cà phê Sơn La đang chú trọng khâu chế biến sâu, phát triển cà phê đặc sản. Ảnh: Tuệ Linh.

"Sau khi có kết quả nghiên cứu của Trung tâm Giống cây trồng Eakmat Tây Nguyên, năm 2016 chúng tôi đã giống THA1 vào trồng ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu...

Đến nay, sau 5 năm trồng, so với giống cà phê Catimor hiện có thì giống THA1 cho năng suất, chất lượng cao hơn từ 20 - 30%. Hiện, chúng tôi cũng đang đề xuất nhập các nguồn giống do Viện nghiên cứu cà phê Tây Nguyên đưa ra, có khoảng 10 dòng để theo dõi đánh giá tiếp, mở rộng các cây giống mới, trong đó THA1 là chủ đạo…", ông Định nói.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Để phát triển bền vững vùng chuyên canh cà phê Sơn La, cần tập trung rà soát, đánh giá lại toàn thể diện tích cây cà phê để từ đó tái canh cây cà phê bằng những bộ giống mới và thực hiện các giải pháp liên quan ghép cải tạo giống cà phê mới. Bởi đây là những giống cà phê cho năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cao hơn.

Theo ông Công, giống THA1, TN1, TN7 là những giống đã trồng khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh Sơn La cho ra năng suất, chất lượng sản phẩm rất tốt. Cải tạo bộ giống cũng chính là để phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng phải tập trung sản xuất, chế biến sâu để sản phẩm cà phê của tỉnh chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu trên thế giới. Muốn làm được như vậy, thì nhất định phải sản xuất theo quy trình, quy chuẩn 4C, UTZ từ đó cấp mã số vùng trồng đảm bảo theo quy chuẩn.

"Tập trung liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến, như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH sản xuất thương mại Cát Quế, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Phải có những vùng trồng ổn định cho từng nhà máy, mỗi một nhà máy có sản phẩm đặc trưng của cà phê nhân, rang xay, bột; nông hộ, HTX liên kết ký hợp đồng trồng theo quy chuẩn mới ổn định, bền vững, lâu dài.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật phải chăm bón cây cà phê, phải tạo giống mới trồng thay giống cũ", ông Công nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành phải làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà máy làm tốt công tác marketing, dự báo, đánh giá thị trường. Sau đó, tổ chức xuất khẩu các sản phẩm cà phê.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu được môi trường, thổ nhưỡng, đất đai để phát triển nông, lâm, nghiệp bền vững. Có như vậy cà phê Sơn La mới không bị ảnh hưởng do sương muối, thời tiết giá rét và không bị sâu bệnh hại. Tiến tới ổn định diện tích cà phê hiện có, tiếp tục thâm canh, đưa giống mới vào trồng, qua đó tăng năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các nhà máy, các cơ sở chế biến phải đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ xử lý nước thải trong quá trình sản xuất, chế biến, tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem