Vào những ngày cận Tết âm lịch, đồng bào dân tộc Thái (đen) ở bản Có Mòn (xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) lại tất bật chăm sóc lá dong để bán cho người dân trong vùng và các thương lái thu mua xung cấp cho các tỉnh dưới xuôi.
Lá dong được xem là “phần hồn” không thể thiếu của những chiếc bánh chưng ngày Tết Nguyên đán. Để có được loại lá dong đẹp và dai, đồng bào Thái phải bỏ công sức bón phân, cắt tỉa, phát quang cỏ rất cầu kỳ; nhờ vậy mà lá dong ở xã Chiềng Xôm luôn đắt khách hàng đến thu mua.
Anh Quàng Văn Đại đang phân loại lá dong để mang ra chợ bán.
Là một trong những hộ gia đình trồng lá dong được hơn 15 năm nay, anh Quàng Văn Đại, bản Có Mòn (xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La) chia sẻ: “Trước kia vào mỗi dịp tết, tôi phải vào sâu trong rừng để tìm lá dong về gói bánh chưng. Thấy vất vả quá, gia đình tôi đã nhổ gốc lá dong rừng về trồng tại vườn cho tiện lợi, sau một thời gian thấy lá dong phát triển xanh tốt, nhiều người trong bản, trong xã hỏi mua lá để gói bánh tẻ, xôi, bánh chưng...".
"Tôi nghĩ nếu nhân rộng mô hình ra thì sẽ cho thêm thu nhập vào những ngày tết. Vì vậy, tôi đã tăng diện tích trồng lá dong lên 1.000m2. Sau khi thu hoạch, chúng tôi sẽ phân loại theo kích thước, mỗi bó sẽ có khoảng 100 lá, giá dao động từ 100.000 - 140.000 đồng mỗi bó, tùy thuộc vào lá to hay nhỏ rồi đem đi tiêu thụ”.
Vào dịp Tết Nguyên đán, lá dong là "linh hồn" không thể thiếu trong việc gói bánh chưng.
Ngày tết càng đến gần, không khí tại bản Có Mòn càng nhộn nhịp, bận rộn với công việc cắt, tỉa, xếp phân loại lá dong chuẩn bị cung cấp cho các khu chợ ở thành phố Sơn La và thương lái khắp nơi. Anh Quàng Văn Đại, bản Có Mòn, cho biết: “Như mọi năm, trước tết 3 tuần chính là thời điểm gia đình tôi bắt đầu cắt lá, phân loại, gọi điện thoại cho lái buôn đến mua, mỗi năm tôi thu được hơn 16 triệu đồng từ bán lá dong dịp tết”.
Sau khi cắt lá dong từ vườn về, bà con dân tộc Thái bó thành từng bó ngâm vào thùng nước để cho lá dong không bị héo úa.
Không riêng gì bản Có Mòn mà nhiều bản thuộc xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La), người dân trong bản đều đang tất bật cắt tỉa, thu hoạch lá dong bán cho thương lái và người dân trong vùng gói bánh chưng dịp tết.
Xã Chiềng Xôm vào những ngày giáp tết được mệnh danh là thủ phủ lá dong của tỉnh Sơn La, vì đây là vùng trồng lá dong tập trung, có sản lượng nhiều. Những bó lá dong ở vùng này khi ra chợ được khách hàng ưa chuộng vì lá to, mềm dẻo, không bị rách và có màu xanh tươi rất đẹp.
Lá dong được đồng bào Thái bán với giá từ 1.000 - 1.300 đồng/lá.
Toàn bản Có Mòn có gần 200 hộ dân thì 2/3 số hộ gia đình trồng lá dong. Nhà nào nhiều thì trồng 2.000m2 , nhà ít cũng từ 500m2 trở lên. Theo người dân nơi đây, từ giữa tháng Chạp là họ bắt đầu thu hoạch lá dong để bán ở các khu chợ trung tâm hoặc bán cho thương lái khắp nơi về mua sỉ. Có nhà trồng nhiều, riêng bán vụ tết đã thu được vài chục triệu đồng, nhà trồng ít cũng được hơn 10 triệu đồng.
Xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La được coi là thủ phủ lá dong cung cấp trong dịp Tết.
Chị Cầm Thị Mai, bản Có Mòn, xã Chiềng Xôm, cho biết: “Tôi đang tranh thủ cắt lá dong trong ngày thời tiết khô ráo. Tôi trồng trên 2.000m2 đất nương, chỉ thu hoạch bán vào dịp gần Tết Nguyên đán song bình quân mỗi vụ cũng thu được hơn 25 triệu đồng”.
Lá dong được anh Đại trồng trên 1.000 m2 đất để bán trong dịp tết.
Lá dong sau khi cắt người dân sẽ phân loại theo kích cỡ to, trung bình và nhỏ rồi được bó lại mỗi bó 100 lá để bán. Hiện, lá dong bán tại vườn có giá 100.000 đồng/100 lá. Những loại lá to và đẹp thì có giá bán cao hơn, khoảng 130.000 đồng/100 lá.
Lá dong được anh Đại bó thành từng bó, mỗi bó 100 lá.
Theo bà Tòng Thị Phấn, bản Có Mòn chia sẻ thêm: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây dong không bị cháy lá mà phát triển rất tốt, cho rất nhiều lá. Nhờ lá dong đẹp, phiến lá to, hứa hẹn sẽ bán được giá hơn mọi năm, mỗi năm tôi bán lá dong cũng được 20 triệu đồng.
Trước đây bà con dân tộc Thái phải vào rừng sâu để tìm lá dong gói bánh chưng, nhưng nay lá dong đã được người dân trồng khắp nương vườn.
Dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con dân tộc Thái. Hàng năm cứ đến tết âm lịch, người dân xã Chiềng Xôm vẫn luôn hy vọng, màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp tết đến, xuân về.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.