Sơn La: Dồn lực đầu tư nước sinh hoạt nông thôn

Thứ năm, ngày 24/10/2013 14:30 PM (GMT+7)
9 tháng đầu năm, tỉnh Sơn La đã dồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt và đã giải ngân được gần 39 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Bình luận 0
Đầu tư đúng trọng điểm

Thực hiện mục tiêu năm 2013 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Sơn La đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nước sạch đang dang dở; tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng các công trình mới, tập trung cao cho các công trình nước sinh hoạt liên bản với số lượng nhân khẩu thụ hưởng cao.

Nhờ vậy, nhiều công trình nước sinh hoạt liên bản với số đối tượng hưởng lợi lên tới hàng ngàn người như: Nước sinh hoạt liên bản trung tâm xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã), liên bản xã Huy Thương, Huy Tường và liên bản Nà Lo, Ngà Lìu xã Huy Hạ (huyện Phù Yên)… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, hàng chục công trình nước sinh hoạt liên bản khác tại các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên, Sông Mã, Mường La, Thuận Châu… cũng được gấp rút đấu thầu, thi công với mục tiêu hoàn thành đưa vào sử dụng sớm nhất.

Đưa chúng tôi đi thăm hệ thống nước sinh hoạt trong bản mới được đưa vào sử dụng, chị Lường Thị Sum, dân bản Chài 1, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tâm sự: Không có nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia thì dân mấy bản trong xã này còn vất vả nhiều, ốm đau lắm. Từ ngày có nước sạch về bản, ai cũng vui, cũng thấy khoẻ ra. Những bệnh thường gặp như đau mắt, đau bụng, giun sán… bây giờ cũng giảm hẳn. Sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, không còn phải lo đi lấy nước xa; ăn, uống, tắm rửa bằng nước mất vệ sinh. Chị em phụ nữ chúng tôi là những người cảm nhận rõ nhất cái hay, cái tốt của dòng nước sạch đấy.

Kéo dài tuổi thọ công trình

Đây là mục tiêu mà những cán bộ Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Sơn La luôn cố gắng để đạt được kết quả cao nhất. Là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn cao nên nhu cầu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh rất lớn. Bởi vậy, khi đầu tư mỗi công trình nước sinh hoạt, trung tâm luôn thực hiện tốt các khâu đấu thầu, tư vấn, giám sát trước, trong và sau quá trình xây dựng.

Anh Tráng A Dê, dân bản Đề A, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, bảo: “Khi cán bộ làm hệ thống nước sạch, họ tính toán để chia sẻ nguồn nước cho được nhiều hộ dùng chung. Khi xây dựng, người dân sẽ góp thêm một phần công sức, vật liệu cùng dự án và trực tiếp tham gia giám sát dự án thi công, vì thế chất lượng công trình luôn đạt cao vì hộ dân nào cũng phải lo bảo vệ quyền lợi của mình trong đó”.

"Chúng tôi còn vận động nhau giữ gìn rừng, vệ sinh đầu nguồn nước. Như vậy người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch nhất".

Ông Lò Văn Luân


Cùng với việc nâng cao chất lượng quản lý, giám sát trong thi công, khi công trình đưa vào sử dụng, trung tâm tiếp tục hướng dẫn bà con sở tại thành lập các tổ hoặc hợp tác xã quản lý-khai thác công trình nước sinh hoạt sau đầu tư.

"Chính tổ tự quản của chúng tôi là người thu một phần phí từ cấp nước, sử dụng làm kinh phí tuần tra, kiểm soát, bảo vệ hệ thống bể, đường ống dẫn. Trong phần kinh phí thu được cũng dành để tu sửa hệ thống khi có những hỏng hóc nhỏ, đấu nối phát sinh. Như thế thì hiệu quả sử dụng và tuổi thọ công trình sẽ được nâng lên, người dân sẽ được sử dụng nhiều nhất với nguồn nước sạch nhất"-ông Lò Văn Luân, dân bản Sập Vạt, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu bảo vậy.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem