Sơn La: Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng

Văn Ngọc Chủ nhật, ngày 27/08/2023 08:00 AM (GMT+7)
Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, Sơn La tập trung phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo việc làm, hướng tới xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

Du lịch cộng đồng giúp người dân nâng cao thu nhập

Có địa hình núi cao, Sơn La bị chia cắt bởi lưu vực sông Ðà và sông Mã để rồi hình thành nên hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản. Kiến tạo địa chất chủ yếu núi đá vôi có địa hình Karst khá phổ biến, bị bào mòn hàng triệu năm đã tạo nên nhiều cảnh quan hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, các hồ lớn và thung lũng màu mỡ, các mỏ nước khoáng nóng...

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 68 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và đưa vào danh mục. Trong số đó, có 12 di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, 35 di tích được công nhận xếp hạng cấp tỉnh; về loại hình có 46 di tích lịch sử, 11 di tích danh lam thắng cảnh, 2 di tích kiến trúc nghệ thuật, 9 di tích khảo cổ học.

Sơn La thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ, người dân còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Đặc biệt, điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu. Mộc Châu mang khung cảnh cao nguyên hùng vĩ, nên thơ, say đắm lòng người bên những đồi chè ngút ngàn tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi.

Không chỉ dừng lại ở đó, Sơn La còn là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với tổng dân số 1.327.121 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.111.831 người, chiếm 83,78% (Dân tộc Kháng: 10.674 người; Dân tộc La Ha 10.756 người; Dân tộc Hoa: 62 người…), mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng.

Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù để khai thác, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, du khách đã một lần đặt chân lên mảnh đất Sơn La thì chắc hẳn sẽ không thể nào quên mảnh đất và con người nơi đây, đặc biệt là thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Gần đây, các dịch vụ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, nhất là ở Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Mường La... với nhiều hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp tham gia, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sơn La thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng - Ảnh 2.

Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ngọc Chiến đầu tư xây dựng các Homestay để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Văn Ngọc

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nằm ở độ cao trên 1.800m so với mặt nước biển. Nơi đây có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng các mỏ nước khoáng nóng tự nhiên, những ngôi nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, con người thân thiện và những bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào các dân tộc giữ gìn là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

Tận dụng những tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, những năm gần đây người dân xã Ngọc Chiến đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Nhận thấy địa phương có tiềm năng thu hút khách đến tham quan, phát triển du lịch, gia đình ông Lò Văn Phặng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đã đầu tư xây dựng homestay Hương Rừng để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm của du khách thập phương khi đến với Ngọc Chiến.

"Từ khi phát triển mô hình này, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn, khách đến du lịch tại Ngọc Chiến sẽ được thưởng thức các món ăn dân tộc, được tham quan trải nghiệm đời sống của bà con nơi đây", ông Phặng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, đem lại thu nhập cho người dân, Đảng bộ xã Ngọc Chiến đã xác định sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì sẽ lấy chính kết quả đó làm nền tảng, đòn bẩy để khai thác các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Sơn La thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng - Ảnh 3.

Thành phố Sơn La nâng cấp hệ thống giao thông thôn, bản để thu hút khách du lịch. Ảnh: Văn Ngọc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ngọc Chiến lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch và lấy du lịch làm kinh tế trọng tâm, mũi nhọn để tạo sinh kế, ổn định đời sống cũng như phát triển kinh tế trong nhân dân. Cùng với đó nghề truyền thống như: Thêu, dệt thổ cẩm của người Mông; lễ gội đầu của người Thái, hội Gầu tào của người Mông, hội dâng hoa măng của người La Ha cùng trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của các dân tộc cũng được gìn giữ.

Đến với Ngọc Chiến du khách được thưởng thức ẩm thực của người Thái, một trong những nền ẩm thực lâu đời và đặc sắc của vùng Tây Bắc với món gà nướng, cá nướng, các loại rau và sản vật của địa phương, đặc biệt không thể thiếu món xôi nếp tan dẻo thơm được nấu từ những hạt gạo từ cánh đồng Ngọc Chiến. Hiện toàn xã Ngọc Chiến có hơn 20 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu về ăn, ngủ nghỉ, vui chơi và tắm nước khoáng nóng tự nhiên cho khoảng 20.000 lượt khách/năm.

Không chỉ Ngọc Chiến, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay có rất nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng. Khi đến với điểm du lịch cộng đồng xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La du khách không những có cơ hội thưởng thức ẩm thực dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ mà còn được khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; được tìm hiểu về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con người Thái bản địa.

Sơn La thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng - Ảnh 4.

Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Sơn La cho biết: Để khai thác lợi thế về du lịch cộng đồng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố tập trung xây dựng du lịch cộng đồng ở 3 bản: bản Bó (phường Chiềng An), bản Hụm (xã Chiềng Xôm), bản Hùn (xã Chiềng Cọ); hỗ trợ 4 hộ xây dựng nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Cùng với đó thành phố Sơn La đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn.

Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc đường vào nhà văn hóa, dọc trục đường nội bản; trồng hoa, cây xanh; hỗ trợ hệ thống thu gom rác, hệ thống biển chỉ dẫn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn.

Với tiềm năng, lợi thế cùng những giải pháp đồng bộ, phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình ở Thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Sơn La thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng - Ảnh 5.

Với những cách làm sáng tạo, đến nay Sơn La đã thu hút được số lượng lớn khách du lịch. Ảnh: Văn Ngọc

Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, cho biết: Hiện nay, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nói riêng. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan không gian; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức cách thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng các bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hàng chục biển quảng bá và biển chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng 50 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm cộng đồng, điểm dịch vụ nghỉ homestay và hỗ trợ lắp đặt hệ thống xe rác, thùng rác và trạm xử lý rác thải tại các bản du lịch cộng đồng. Hỗ trợ triển khai các lớp tập huấn kỹ năng nghề du lịch; hỗ trợ xây dựng các bản du lịch cộng đồng; hỗ trợ 31 hộ làm homestay kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản và hỗ trợ 2 homestay vay vốn lãi suất thấp với tổng kinh phí 750 triệu đồng.

Thông qua phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.

Mục tiêu của tỉnh Sơn La đến năm 2025, đón khoảng 5,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 5.800 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem