Sơn Tây (Hà Nội): Sạp hàng hóa "bủa vây" trước cổng chùa Mía

Phương Linh Thứ hai, ngày 27/03/2023 15:22 PM (GMT+7)
Tại chùa Mía (xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), nhiều người dân lấn chiếm, tự tổ chức bán hàng, kéo dài từ ngoài đường vào đến tận cổng chùa.
Bình luận 0

Clip các sạp hàng hóa bày trước cửa chùa Mía. Thực hiện: Phương Linh.

Chùa Mía (xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1964. Hằng năm, nơi này thu hút đông đảo người dân, du khách nước ngoài đến tham quan, dâng hương. 

Ba Vì (Hà Nội): Các sạp hàng hóa "bủa vây" trước cổng chùa Mía - Ảnh 2.

Hàng loạt hàng quán "mọc" phía trước chùa Mía gây ra tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan. Ảnh: Phương Linh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, việc kinh doanh trước và trong chùa Mía (hay còn gọi là Sùng Nghiêm tự) đang gây nên tình trạng mất mỹ quan, lấn chiếm lối đi vào chùa. Các sạp hàng kinh doanh hoa quả, bánh trái hay trà đá được người dân đặt thô sơ, ngang nhiên tồn tại ở trước cửa chùa Mía và cả đường đi vào chốn linh thiêng chùa Mía.

Vào các ngày cuối tuần, khi lượng khách đến với chùa Mía đông đúc cũng là lúc các sạp hàng hóa bày bán tràn ra cả phía đường đi. 

Ba Vì (Hà Nội): Các sạp hàng hóa "bủa vây" trước cổng chùa Mía - Ảnh 3.

Các quầy hàng hóa, kinh doanh tại chùa Mía diễn ra nhiều năm nay. Ảnh: Phương Linh.

Một tiểu thương bày bán mặt hàng khô trước cửa chùa Mía cho biết, các sạp hàng hóa xuất hiện trước cửa chùa Mía từ nhiều năm nay. Khi công an xã tới, các tiểu thương lại dọn hàng vào, đến khi họ đi mọi người lại dọn hàng ra bày bán như những ngày bình thường.

"Người dân coi công việc bày bán hàng hóa ở đây là công việc chính, đem về thu nhập cho gia đình. Lực lượng chức năng cũng nhiều lần đến yêu cầu tiểu thương dọn dẹp vào trong, không lấn chiếm lòng đường. Tuy nhiên, sau đó ít ngày rồi mọi người lại cũng đâu vào đấy", ông Bùi Văn S. người dân ở khu vực cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) cho hay, thời điểm giữa tháng 3/2023, chị cùng với một nhóm bạn đi tham quan tại chùa Mía. "Đến đây, chúng tôi thấy việc các sạp hàng hóa, bày bán lộn xộn trước cổng chùa Mía, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, chúng tôi còn bị thu 20.000 đồng/1 người khi vào tham quan và lễ chùa Mía", chị Hà phản ánh.

Ba Vì (Hà Nội): Các sạp hàng hóa "bủa vây" trước cổng chùa Mía - Ảnh 4.

Tiểu thương bày bán hàng hóa trước cửa, lối đi vào chùa Mía. Ảnh: Phương Linh.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đ­ường, địa điểm thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh;  cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

Cá nhân hoạt động th­ương mại không được chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động th­ương mại và tr­ưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đ­ường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung.

Tuy nhiên, đến nay, việc buôn bán, bày hàng hóa tại đường vào và trước cửa chùa Mía vẫn diễn ra.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho hay, đơn vị đã nắm được thông tin về các quầy bán hàng hóa bày bán ở trước cửa chùa Mía. Trước đó, lực lượng chức năng cũng nhiều lần ra quân tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Ba Vì (Hà Nội): Sạp hàng hóa "bủa vây" trước cổng chùa Mía - Ảnh 5.

Một số tiểu thương bày bán hàng hóa tràn ra cả vỉa hè, lòng đường. Ảnh Phương Linh.

"Về vấn đề người dân phản ánh, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu di tích, không để tình trạng này tái diễn", ông Thạo nói.

Về phản ánh du khách bị thu 20.000 đồng/1 người khi vào tham quan chùa Mía, theo ông Thạo, chùa Mía là một trong những di tích thuộc làng cổ Đường Lâm. Bởi vậy, du khách khi đến tham quan làng cổ, trước khi vào làng cổ đều phải mua vé với giá 20.000 đồng/1 người.

"Việc thu vé này được Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội thông qua, được các cơ quan chức năng cho phép. Chúng tôi thu tiền đều có vé hóa đơn đầy đủ", ông Thạo thông tin.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem