Sống dở trên đất quy hoạch

Thứ ba, ngày 13/09/2011 14:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn 8 năm quy hoạch, viễn cảnh sáng sủa của khu du lịch cấp quốc gia chưa thấy đâu, chỉ thấy những hệ lụy của quy hoạch “treo” làm dân Cam Hải Đông mòn mỏi đi từng ngày...
Bình luận 0

Từ 2005, để “dọn đường” cho nhà đầu tư triển khai các dự án, Khánh Hòa quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu du lịch Bãi Dài với tổng kinh phí khoảng 2.100 tỷ đồng, gồm hệ thống đường nhánh, hệ thống thoát và xử lý nước thải, tuyến đường phía Tây bán đảo. Chính hệ thống hạ tầng này bây giờ đang “hành” dân.

img
Đường N1B cao hơn nóc nhà dân đang khiến cuộc sống của cư dân thôn Cù Hin khốn khổ.

Đường thành đê bao

Tuyến đường gây nhiều “khổ nạn” nhất cho thôn Cù Hin là tuyến N1B, từ Đại lộ Nguyễn Tất Thành chạy vào vùng Dự án Sân Golf và Biệt thự cao cấp Cam Ranh của Công ty CP Đầu tư Dầu khí Sông Hồng. Đường chạy ven chân núi Cù Hin, tôn cao hơn khu dân cư tới 4 -5m, cao hơn nóc nhà dân.

Dẫn chúng tôi đến những vườn xoài ven “chân” đường N1B, ông Diệp Thế Giao than thở: Đường chưa có cống thoát nước nhưng lại chặn mất con suối thoát nước ra biển. Mùa mưa vừa rồi, cả làng được phen hú vía khi nước trên núi ào ào chảy xuống, lôi tuột hàng trăm khối đất, đá phăng phăng cuốn vào nhà, vườn của dân. Hàng loạt gốc xoài của nhà tôi chết đứng vì bị đá, đất bồi lấp “chôn” gốc. Chúng tôi nhiều lần đòi bồi thường, khắc phục hậu quả. Kết quả là đơn vị thi công lắp 1 cái cống to tướng, miệng chĩa vào vườn xoài nhà tôi!

Ông Nguyễn Nhanh chỉ miệng cống thoát nước của tuyến đường nhánh K8, bực bội: Mùa mưa năm ngoái nó xả thẳng nước xuống đìa nhà tui làm mất trắng 3 vạn tôm, 3.000 con cá dìa và 1 tạ ghẹ. Huyện bảo đơn vị thi công là Công ty 71 phải đền bù thiệt hại, nay gần 1 năm rồi, tui chưa nhận được đồng nào, còn miệng cống vẫn ở đó.

Kể về mùa lũ năm ngoái, ông Trần Văn Phúc – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, cho biết: Hầu hết tuyến đường nhánh đều nối giữa Bãi Dài và đầm Thủy Triều, các tuyến ống nước của đường được thiết kế xả nước ra đầm Thủy Triều. Do chưa đền bù giải tỏa xong nên đường và cống chỉ “chạy” đến vùng dân cư ven đầm là dừng...

Mùa mưa vừa qua, 7 đường nhánh đã tạo thành đê bao cản nước, làm ngập gần như toàn bộ khu dân cư trong xã. Nhất là những vùng dân cư ven đầm Thủy Triều, nước dâng cao đến gần nóc nhà. Dân kêu hà rầm mà chẳng thấy đơn vị thi công đâu. Ông Phúc phải kêu người nhà mượn xe múc phá đìa để cho nước thoát ra đầm Thủy Triều, cứu dân.

Mất đất sản xuất

Nhắc đến tuyến đường N1B, hàng chục hộ dân trong xã cho rằng, con đường này đã cướp đi hũ gạo của họ. Ngay dưới chân núi Cù Hin, trước kia có một đồng lúa 2 vụ bằng phẳng rộng 20ha, trong đó có 5ha của dân, còn lại là đất 5% của xã. Cách đây 2 năm, đơn vị thi công đường N1B đã lấp con suối dẫn nước ngọt vào đồng, làm cho cánh đồng này khô hạn.

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Sơn cho rằng, đường N1B chỉ là một phần của nguyên nhân làm “chết” vùng đất trồng lúa 2 vụ này.

Ông Sơn nói: Nhà tôi có 3 sào đất ruộng thuộc vùng này đã được cấp sổ đỏ, thuê thêm 2 sào ruộng của xã nữa để canh tác, hàng năm thu về 4-5 tấn lúa. Vậy mà, đón đầu quy hoạch, một số đại gia đã thuê hẳn vùng đất lúa này từ xã. Họ ngang nhiên thuê xe phá bờ, đổ đất lấp ruộng, múc ao, chặn nguồn nước ngọt, mở mương dẫn nước mặn vào cả những mảnh ruộng của dân.

Dân chúng tôi phản đối kịch liệt, xã giải quyết bằng cách đền bù 10 triệu đồng cho 6 hộ để tự “phục hóa” lại ruộng đã bị san lấp. Nhưng có tài thánh cũng không thể phục hóa nổi với số tiền ấy. Mặt khác, ngày ngày bị “dọa” sẽ thu hồi đất bất cứ lúc nào nên chẳng ai buồn đầu tư. Vì vậy, 20ha đất lúa 2 vụ giờ thành bãi cỏ chăn bò.

Bỏ nhà ly hương

Vườn đầy cỏ dại, nhà cửa bỏ hoang, đồng đầy cỏ cháy là những cảnh thường gặp tại thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông bây giờ. Những năm gần đây, cứ đến mùa khô là ở xã này xảy ra cháy. Cán bộ nói rằng do khô hạn, nhưng dân bảo do quy hoạch treo. Nhiều năm liền, vườn rừng, vườn nhà đã được kiểm kê, “đóng băng” chờ đền bù giải tỏa nên các hộ dân chẳng còn hứng thú trong chăm sóc vườn cây. Cỏ tốt lút vườn, nên chỉ cần chút lửa nhỏ là đùng đùng cháy.

Đến nay, những con đường trong vùng quy hoạch đang hình thành nhưng trong 31 dự án khu nghỉ mát cao cấp các loại, chỉ có 6 dự án “động đậy” chút ít, 25 dự án còn lại “bất động”.

Men theo lối đi phủ kín cỏ dại, chúng tôi đến nhà ông Lê Ngọc Minh - cư dân đã sống ở xã này từ hơn 30 năm. Nhưng, phía sau cánh cổng sắt và tường bao kiên cố là một khu vườn và ngôi nhà hoang. Người làng cho biết, sau khi ký biên bản kiểm kê Dự án khu biệt thự cao cấp, ông Minh đã rời làng, bỏ hoang nhà cách đây 3 năm. Cạnh nhà ông Minh còn có tới 3 ngôi nhà nữa cũng vắng chủ dài hạn, vườn xoài, vườn điều chết khô, um tùm cỏ dại.

Trưởng thôn Hồ Ngọc Sáng cho biết: Trước đây, thôn có 2 mương thoát nước ra đồng, vừa cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp nước ngọt cho vùng đìa nuôi tôm. Khi các đơn vị thi công cơ sở hạ tầng, hai mương bị chặn lấp, gây khô hạn cho toàn bộ vùng sản xuất. Mặt khác, các dự án kiểm kê xong rồi… bỏ đó, dân mất hết quyền trên chính mảnh đất của mình nên chán nản, không đầu tư sản xuất, bỏ hoang nhà cửa tìm nơi khác kiếm sống.

---------------

Bài III: Tương lai nào cho người dân?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem