Sống khỏe với nghề rèn

Thứ ba, ngày 08/03/2011 19:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nằm cạnh Quốc lộ số 1 và cách TP.Tân An 5km, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, hiện 52 hộ dân ở đây vẫn sống khỏe với nghề.
Bình luận 0

Ông Bùi Công Danh, ngụ ở ấp 4 kể: "Không biết nghề rèn ra đời ở Nhị Thành từ bao giờ, nhưng từ đời ông nội tôi đã hành nghề này rồi. Theo thời gian, ông nội truyền cho cha tôi rồi cha tôi lại dạy chúng tôi nối nghiệp. Các con tôi lớn lên cùng tôi chí cốt với nghề như thời ông nội".

Giữ nghề

img

Ông Bùi Công Danh (phải) có thu nhập ổn định từ nghề rèn truyền thống.

Theo nhiều người ở Nhị Thành kể lại, nghề rèn ở Nhị Thành từng trải qua nhiều thăng trầm. Nghề phát đạt nhất từ những năm 1978-1988. Nghề rèn lúc bấy giờ tập trung vào sản xuất những dụng cụ phục vụ công cuộc khai phá đất hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu... với các sản phẩm như dao phát cỏ năn, các loại cuốc, leng, xẻng... "Ngày ấy, dân làm nghề rèn ở ấp 3,4,5 giống như xí nghiệp cơ khí.

Hàng trăm bễ rèn đỏ lửa phì phụp thâu đêm vẫn không kịp hàng giao cho lái đưa xuống miền Tây và vùng Đồng Tháp Mười" - ông Danh nhớ lại. Khi công cuộc khai hoang phục hóa kết thúc, cộng với nhiều loại máy nông nghiệp xuất hiện trên đồng ruộng và trở thành nông cụ chủ yếu của nông dân cũng là thời khắc nghề rèn Nhị Thành thu hẹp, nhiều lúc tưởng như không còn.

Rất mừng, những hộ có tay nghề cao, có lực lượng lao động nhưng không có hoặc có rất ít đất sản xuất vẫn giữ nghề. Bản thân ông Bùi Công Danh và 2 con trai dù không có thước đất cắm cây lúa nhưng hàng chục năm nay vẫn sống khỏe với nghề. Ở ấp 4, các hộ Trần Thanh Thạch, Trần Thanh Thảo nhờ nghề rèn đã nuôi con ăn học thành tài.

Bà Trần Thị Kim Nhung -Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Thành cho biết: "Hiện toàn xã có 52 hộ ở ấp 3; 4; 5 làm nghề rèn, trong đó ấp 4 có 29/52 hộ. Đa phần các hộ này đều không làm ruộng hoặc làm không đáng kể". Bà Nhung cũng cho biết, những năm nghề rèn phục vụ việc khai hoang phục hóa, hầu hết đều sản xuất thủ công, do khan hiếm nguyên liệu, lại chạy theo nhu cầu thị trường nên bà con phải mua sắt phế liệu, thậm chí tà-vẹt xe lửa mục làm nguyên liệu sản xuất.

Ngày nay, tuy số hộ làm rèn không đông nhưng mọi thao tác đều sử dụng máy móc thay sức người, như quạt gió, máy dập, máy phay, tiện, mài... Sản phẩm không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh mà còn phục vụ vùng nguyên liệu cây công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ với các sản phẩm như dao khai thác mủ cao su, bóc vỏ hạt điều, tháp ghép cây giống...

Tiếp sức

Nhằm duy trì và phát triển nghề truyền thống, cách đây 2 năm, 6 hộ làm nghề rèn ở ấp 4 tự nguyện thành lập tổ hợp tác (THT) nghề rèn do ông Bùi Công Danh làm tổ trưởng. THT không chỉ gắn kết với tổ hội nông dân, các thành viên còn có nghĩa vụ dạy nghề cho nhau, cùng tìm "đầu ra" cho sản phẩm rèn.

Nhằm tạo vốn giải quyết việc làm cho 50 lao động trong THT, chi hội ND ấp 4 đã giới thiệu và làm thủ tục để Ngân hàng CSXH Long An cho THT vay 100 triệu đồng mua nguyên liệu, sắm thêm máy sản xuất. "Dù vốn của tổ chúng tôi có 300 triệu đồng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ việc mua nguyên liệu" - ông Danh nói.

Thấy tổ hợp tác nghề rèn ấp 4 hoạt động hiệu quả, năm 2010 có 5 hộ làm rèn ở ấp 5 xin thành lập hợp tác nghề rèn và đã được Ngân hàng CSXH cho vay 80 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Bà Nhung quả quyết: "Nhờ được cơ khí hóa, lại có vốn Ngân hàng CSXH, chắc chắn nghề rèn truyền thống Nhị Thành không bao giờ bị mất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem