”Sóng ngầm” ở bãi bồi

Thứ tư, ngày 14/08/2013 06:53 AM (GMT+7)
Bởi đói nghèo mà nhiều người tìm đến vùng bãi bồi tận cùng cực nam Tổ quốc để mưu sinh. Trước mặt là biển, sau lưng là rừng, nhưng họ lên rừng hay xuống biển tìm kế sinh nhai đều bị coi là phạm pháp.
Bình luận 0
Khó sống bằng nghề tử tế

Từ trung tâm hành chính xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, Cà Mau) đi thêm mấy mươi mét, qua cây cầu sắt bắc ngang kinh nước đen, dọc con lộ bùn đất nhầy nhụa, tôi có mặt tại “xóm Tập Đoàn”. Cả xóm không dễ tìm thấy một ngôi nhà tử tế, chủ yếu là những mái nhà tranh xập xệ của hơn 300 gia đình phiêu dạt. Họ đã và đang sống bằng nghề “ngư tặc” kể từ hơn 30 năm trước.

Hai “ngư tặc” đang thả lưới trên vùng cấm bãi bồi.
Hai “ngư tặc” đang thả lưới trên vùng cấm bãi bồi.

Nghe chúng tôi ghé, nhiều người xúm lại, kể lể hoàn cảnh. Trong số đó, hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Hai khá bi đát. Bà có 4 tấm lưới, 3 màn giăng bắt kiếm ăn ở bãi bồi. Bà bị đội bảo vệ bắt nhiều lần, đóng tiền chuộc rồi lại ra giăng, rồi bị bắt. Không có tiền chuộc ghe, chuộc lưới, bà phải đi vay tiền lãi 15% mỗi tháng.

Đến khi số nợ từ 3 triệu ban đầu đã đẻ lãi lên tới hàng chục triệu đồng thì vợ chồng bà quyết định bán căn nhà lá và vay thêm 3 chỉ vàng để trả nợ. Không ngờ, gia đình bà với mấy mảnh lưới vẫn tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Bị bắt - đòi tiền chuộc - lại bị bắt. Số nợ mới của bà Hai trở lại như cũ nhưng không còn nhà để bán. Bà có 4 con thì 3 đứa phải nghỉ học giữa chừng. Trong hoàn cảnh không lối thoát, cách nay đúng 5 năm, bà toan tự tử, nhưng có người phát hiện cứu sống.

Một lãnh đạo xã Nguyễn Việt Khái đưa cho tôi xem những con số điều tra về những hộ làm “ngư tặc” tại xã này: Toàn xã có 337 hộ với 1.484 nhân khẩu sống bằng nghề khai thác trên vùng cấm bãi bồi. Song, ông cũng cho rằng đây chỉ là con số tương đối, dựa trên những hộ có phương tiện, còn những hộ “quá giang” thì… không thể thống kê. Nếu muốn chấm dứt được tình trạng này thì trước mắt phải giải quyết công việc khác cho họ. Xem ra việc này còn khó khăn hơn gấp bội so với việc ngăn cản họ xâm phạm bãi bồi.

Thôi làm “ngư tặc” vì con vịt

Tại xóm này có anh Dương Thành Vẽ đã từ chức phó công an xã ở tuổi đời ngoài 30. Anh lấy cho tôi xem cái biên lai xử phạt mà anh còn cất giữ như vật kỷ niệm. Nhìn con số 1,5 triệu đồng nhạt nhòa trên giấy, anh ấm ức nói: “Làm ăn với nhau mà họ còn không buông tha tôi”.

Anh cho biết trước đây từng làm trung gian đứng ra gom tiền của một số hộ đánh bắt ở bãi bồi để được người trong đội bảo vệ khu bảo tồn biển làm ngơ. Đường dây của anh gồm bà L, ông C, mỗi tháng phải đóng từ 1 đến 3 triệu đồng/hộ cho một người tên T. Nhưng có lần một người đã đóng tiền vẫn bị bắt và phạt tiền. Anh tìm tới đội để hỏi cho ra lẽ. Không bao lâu sau, chính anh cũng bị bắt, bị phạt. Nghĩ đã mất lòng rồi thì khó mà sống bằng nghề này được nữa, vậy là anh quyết định bỏ phế 100 cái lú, quay mặt lên bờ trông vào cái tiệm tạp hóa nhỏ mà sống.

Vừa rời khỏi nhà anh Vẽ thì một người đàn ông hơn 40 tuổi tên Cao Văn Xuân đến khều nhẹ vào vai tôi hỏi: “Chú là nhà báo? Chúng tôi đang có chuyện bức xúc đây!”. Rồi anh dẫn tôi đi thẳng vào một ngôi nhà nhỏ chồm ra kinh nước đen. Trong nhà có những ngư dân lam lũ mà người ta gọi là “ngư tặc”. Mỗi người phân trần một hoàn cảnh, nhưng hầu hết đều cam đoan với tôi rằng, ở đây có sự chung chi, có ngư tặc bị bắt, có ngư tặc được ung dung hành nghề.

Người đàn bà ngoài 50 tuổi có giọng nói rổn rảng tên Trần Thị Hằng cho biết, bà vừa mới đóng tiền chuộc lại hàng lú hết 1,5 triệu đồng. Cứ mỗi tháng bà lại bị bắt phạt 1 lần, có khi 2 lần. “Mỗi lần như vậy, mấy ổng (đội bảo vệ khu bảo tồn biển) bảo tôi chỉ cho 1 người khác để bắt, cứ thế mấy ổng bắt xoay vòng, khi nào hết thì lại tới lượt tôi bị bắt phạt!”- bà Hằng nói.

Anh Vi Hoàng Tuấn tiếp lời: “Hồi đó tôi cũng có hàng lú cả trăm miệng, cũng bị bắt. Nhưng mấy ổng thấy tôi nghèo nên chỉ lấy một nửa, chừa lại một nửa để tôi có cái để đặt kiếm tiền mà nộp phạt!”. Những “ngư tặc” này cho biết nếu muốn không bị bắt thì phải chung chi mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu đồng tùy theo trọng tải của ghe và số lượng lưới, lú… Nhưng vì “đóng hụi chết” mỗi tháng để được tự do đánh bắt cũng tương đương với một lần bị phạt, cho nên nhiều “ngư tặc” nghèo đành chọn phương án né tránh với hy vọng may mắn được trót lọt.

Trước đây, chính quyền địa phương cũng đã thử chuyển nghề cho “ngư tặc” bằng cách cho họ chăn nuôi gia súc. Nhưng ý định đó vừa bắt đầu thực hiện đã vấp ngay thất bại, vài hộ được chọn nuôi thử nghiệm chưa thu hoạch được kết quả thì họ đã ăn thịt hết gia súc, rồi trở ra bãi bồi làm “ngư tặc”.
Cao Văn Xuân tiết lộ lý do anh giã từ đời “ngư tặc” hơn 10 năm nay để sống bằng nghề làm mướn nghe thật khó tin. Anh kể:

“Một lần cách nay hơn 10 năm, tôi bị tịch thu hàng lú nhưng không có tiền chuộc, mới nhờ anh Đằng quen biết bên đội bảo vệ khu bảo tồn biển xin giùm. Nhìn trong nhà tôi không có gì quý giá, anh Đằng bảo tôi mang con vịt xiêm mà vợ chồng tôi đã nuôi nhiều năm để qua nói chuyện với họ. Đúng ngày hẹn lấy lưới, tôi qua vẫn thấy con vịt bị cột chân trước trụ sở đội bảo vệ khu bảo tồn biển, như nhận ra người quen, nó cứ chồm về phía tôi. Thấy tội, nên tôi bảo anh Đằng thôi bỏ hàng lú để bắt con vịt về.

Anh Đằng nói: “Làm vậy chết tao, mấy ổng đã mua đồ chuẩn bị làm tiết canh rồi”. Tôi ngậm ngùi ôm mấy cái lú ra về và thôi làm “ngư tặc” kể từ đó”.

Hải Đăng (Hải Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem