Trắng đêm cùng “ngư tặc”

Thứ ba, ngày 13/08/2013 06:24 AM (GMT+7)
Dọc theo bãi bồi bên bờ biển Tây tỉnh Cà Mau là những dãy rừng phòng hộ xung yếu và hàng trăm loài hải sản từ đại dương về sinh sôi nảy nở.
Bình luận 0
Tuy nhiên, bãi bồi từng được coi là trù phú nhất nước này đang bị hàng chục xóm nghèo và hàng ngàn hộ dân sống bám vào rừng và biển tàn sát không thương tiếc...

Bãi bồi là vùng biển cạn rộng 320km2, chạy dài theo bờ biển Tây tỉnh Cà Mau, nằm lọt thỏm trong một vịnh nhỏ với hai đầu: Cực nam là chót mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), cực bắc là cửa biển Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân).

Ngư dân nghèo đang chuẩn bị lưới đi khai thác ở bãi bồi.
Ngư dân nghèo đang chuẩn bị lưới đi khai thác ở bãi bồi.


Khai thác tận diệt

Đêm, gió từ khơi xa lùa về từng cơn lạnh buốt, tôi đi theo nhóm “ngư tặc” ở ấp Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) ra kiếm ăn ở bãi bồi. Chiếc vỏ lãi gắn máy 11 mã lực từ xóm nhà xập xệ bên con kinh nước đen tăng ga hướng về phía biển. Chia nhau mấy điếu thuốc, bốn người đàn ông đi cùng tôi mỗi người nhìn về một hướng, lặng thinh nhả khói. Đến nơi chẳng còn nhìn rõ đâu là bờ, “ngư tặc” tên Trương Văn Hận cho xuồng rề lại hàng cọc bằng cây đước lô nhô trên sóng, bắt đầu buông lưới.

Xuồng chúng tôi tắt máy thả trôi, gió đưa về những tiếng động cơ xành xạch lẫn trong tiếng vo ve của dụng cụ xuyệt điện phá tan màn đêm yên tĩnh trên “vùng đất cấm” bãi bồi. Đi theo tiếng động cơ và ánh đèn pha lấp loáng phía xa, chúng tôi cho xuồng cặp vào một chiếc ghe trọng tải hơn 3 tấn đang chạy lù lù trong đêm. Không cần nhìn mặt người lạ hay người quen, hai người đàn ông thản nhiên làm công việc hủy diệt của họ. Bên dưới khoang thuyền là những cục tăng áp được mắc với dây điện kéo ra đầu càng đầy lưới, để từ đó, nó phóng ra một luồng điện đủ sức làm phơi bụng nhiều loài dưới biển.

Đã khuya, chúng tôi quay ngược về nơi có những đốm đèn màu vàng nhấp nháy trên biển đen, đây cũng là lúc có nhiều người đi cuốn lưới. Lão ngư dân Nguyễn Văn Nhi đang ì ạch chở “chiến lợi phẩm” về nhà, buông lời than thở: “Mấy thằng xuyệt điện quậy quá, tôm cá hết đất sống rồi, cả chúng tôi cũng vậy. Cả trăm miệng lú, đặt từ chiều tới giờ chỉ thu được có mấy con sam, vài ký cá chai và ghẹ, chắc bán được cỡ 30 ngàn”. Ông Nhi nay đã 70 tuổi, là một “ngư tặc” già làng nhất vùng này, với hơn 30 năm kinh nghiệm đánh cá ở bãi bồi. Ông quả quyết với chúng tôi rằng sản vật ở đây không còn được một phần mười so với 10 năm về trước.

Đổ máu mưu sinh

Mặt trời vừa nhú lên khỏi sóng, từ chỗ của những “ngư tặc”, tôi phóng tầm mắt ra chung quanh, bốn phía dọc ngang là những hàng đăng, hàng đáy đan nhau như thiên la địa võng. Cứ cách vài chục mét là có một hàng, mỗi hàng nối dài từ trong bìa rừng phòng hộ ra ngoài khơi gần cây số. Tôi hỏi Hận sao không mắc lưới ở những hàng đáy gần bờ hơn. Anh ta nhìn tôi rồi phá lên cười và nói: “Chỉ cần bén mảng lại đó là họ đánh chạy không kịp!”.

Hận cho tôi biết, mỗi hàng đăng, hàng đáy ở đây đều có chủ, kể cả hàng đáy mà anh ta đang thả lưới cũng là kết quả của một trận chiến sinh tử với một nhóm ngư tặc phương xa từ hơn 10 năm trước. Sau lần tỉnh Cà Mau chủ trương giải tỏa trắng khu bãi bồi hồi năm 1997, được một thời gian, nạn ngư tặc xâm lấn lại đâu vào đấy. Thậm chí càng rối ren hơn khi các ngư tặc phải tranh giành lãnh phận, thiết lập lại ranh giới giữa những hàng đăng, hàng đáy và luồng nước.

Để bảo vệ vùng bãi bồi, đã có hàng loạt văn bản pháp luật xung quanh việc cấm khai thác dưới mọi hình thức nguồn tài nguyên bãi bồi từ Chính phủ đến tỉnh, huyện và cả những chế tài được ban hành. Song, tất cả dường như bị vô hiệu hóa trước nhu cầu mưu sinh bức bách của một bộ phận ngư dân nghèo.
Lúc ấy, Hận cùng với nhóm anh em ở Bạc Liêu cũng chở theo những cây cọc đước ra bãi bồi cắm xí phần. Trong lúc đang lui cui cắm những cây cuối cùng thì xuất hiện một nhóm người dữ dằn lăm lăm hung khí tiến tới đuổi nhóm của Hận đi. Họ lý lẽ, nơi đây từng là hàng đáy của họ trước khi bị giải tỏa.

Nhóm của Hận không khuất phục, rồi hai bên lao vào đánh nhau sống mái để định đoạt quyền sở hữu luồng nước trên vùng bị cấm khai thác. Tuy ít người, nhưng nhờ sức trẻ và… liều hơn, nên nhóm của Hận đã giành được quyền “cai trị” hàng đáy mấy trăm thước trên vùng cấm cho đến nay. Theo sự mách bảo của Hận, tôi mới biết được việc xác định ranh giới giữa các hàng đăng, hàng đáy được phân định bằng những con lạch ngầm bên dưới dòng nước.

Việc phân chia “địa bàn” này cũng mất khá nhiều thời gian và hầu như mỗi ranh giới đều được giải quyết bằng một trận đánh nhau trên biển. Hận bảo, dù đã có chủ nhưng thỉnh thoảng vẫn có tranh chấp, rồi lại giải quyết bằng vũ lực. Hơn 10 năm sống bằng cái nghề bị liệt vô hàng “không đàng hoàng” này, chữ “liều” được xem như là thứ vũ khí tinh thần để Hận và những đồng hương của anh trụ lại mà mưu sinh nơi vùng biển cạn trù phú nhưng đầy bất ổn này.

Hải Đăng (Hải Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem