Sống ở chốn 5 không

Thứ năm, ngày 30/06/2011 11:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không điện, đường, trường, trạm, không nước sạch... đó là cuộc sống suốt hàng chục năm qua của gần 300 con người ở thôn Mó, xã Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa).
Bình luận 0

Thôn Mó cách trung tâm xã gần 10km, nhưng chỉ có con đường "chuột chạy". Để vào thôn phải lội qua 2 con suối, trèo lên vài đỉnh dốc dựng đứng, sau 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới nơi. Thôn nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, lóp ngóp vài ngôi nhà tranh xiêu vẹo.

img
Trong nhà ông Vi Văn Thao chẳng có vật dụng gì đáng giá.

Cái gì cũng thiếu

Ông Hà Xuân Hùng - Trưởng thôn Mó cho biết: "Thôn có 76 hộ với 300 nhân khẩu, hơn 95% là dân tộc Thái, Mường thì 67 hộ nghèo. Ruộng ít, người dân chủ yếu vào rừng đốn củi đốt than để sinh sống. Cả làng chỉ có 2 - 3 ngôi nhà xây. Cuộc sống khó khăn, trường học ở xa, đa số trẻ học hết cấp 1 là nghỉ ở nhà đi làm rẫy, đốt than, hái rau kiếm sống; gia đình có kinh tế nhỉnh hơn thì mới cho con học hết cấp 2”.

Làng chúng tôi điện, đường, trường, trạm... đều không có, nên có nuôi được con lợn, con gà bán cũng chẳng ai mua...

Ông Vi Văn Thao, nhà 6 miệng ăn nhưng chỉ có 2 sào ruộng nên năm nào cũng thiếu ăn 4-5 tháng, than thở: "Làng chúng tôi điện, đường, trường, trạm… đều không có, nên có nuôi được con lợn, con gà bán cũng chẳng ai mua. Khổ nhất là lũ trẻ, muốn đi học phải dậy từ 4 giờ sáng. Hôm nào trời mưa, nước suối lên, người lớn còn chịu chết chứ nói gì trẻ con".

Mặc dù đất đai mênh mông, nhưng là đất của Nông trường Như Thanh và Vườn quốc gia Bến En, nên họ không thể khai hoang để trồng trọt. Một điều khó hiểu là, cả thôn không có một hộ nào được cấp sổ đỏ. Cuộc sống tự cung tự cấp, nên bữa đói, bữa no là chuyện thường. Đường sá đi lại khó khăn, dù ốm, họ cũng rất ngại đi viện. Khi bệnh tình quá nặng, họ mới hò nhau khênh võng vượt rừng đến trạm xá, nên nhiều trường hợp chết oan.

Những mảnh đời bất hạnh

Anh Hà Văn Năm - người dân thôn Mó thở dài: "Đốt cả ngày mới được gánh than, gánh xuống xã hết cả buổi, mà chỉ bán được vài chục nghìn. Số tiền ấy cũng chỉ mua được chai dầu thắp và mấy con cá khô thôi".

Ông Vi Xuân Bành - Bí thư thôn Mó cho hay: Không có đất sản xuất, nên con em ở đây nhỉnh lên một tý là kéo nhau vào Nam đi làm thuê hết, làng chỉ còn người già và trẻ em. Duy nhất hộ anh Vi Văn Phong được xem là khá giả nhất thôn cũng chỉ mới xây được ngôi nhà, còn lại thôn toàn là nhà dã chiến “nắng rọi, mưa dột thôi".

Dẫn chúng tôi đi thăm những ngôi nhà "giã chiến", ông Bành bảo, làng có nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm. Chị Vi Thị Chanh (42 tuổi), năm 2002 chồng mất để lại 4 đứa con thơ dại, đứa thứ 4 lại bị liệt suốt 13 năm nay. Ngồi cạnh đứa con tật nguyền, chị Chanh nấc nghẹn: "Cả ba đứa học hết cấp 1 đều phải bỏ học để đi làm kiếm tiền mua gạo và thuốc cho em. Giá như bố chúng nó còn sống...".

Mới 21 tuổi, nhưng em Hà Văn Tuyên đã phải "làm nóc nhà" 4 năm nay. Năm 2006 - 2007, bố mẹ em lần lượt qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Gia sản có gì đáng giá đã bán hết để chữa bệnh cho bố mẹ. "Ai thuê gì, em cũng làm. Khi đi phụ vữa, khi thì đốt than, đốn củi… miễn kiếm được bò gạo" -Tuyên bùi ngùi nói.

Rời thôn Mó, những ngôi nhà rách nát, những đứa trẻ nhem nhuốc thất học cứ ám ảnh tôi. Rồi cuộc sống của họ sẽ đi về đâu? Mong sao các ngành chức năng sớm giúp thôn Mó thoát khỏi cái vòng đói, nghèo dai dẳng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem