Phấp phỏng nỗi lo
Gắn bó với làng chài Chánh Lương, thôn Trung Lương hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Nề chứng kiến nhiều trận bão kinh hoàng. “Ngồi trong nhà mà tim cứ đập thình thịch theo từng đợt sóng úp bờ. Tính từ năm 1975 đến nay, tôi chứng kiến hơn 100 ngôi nhà bị sóng đánh úp. Tình trạng biển xâm thực, xói mòn ngày một nghiêm trọng. Riêng nhà tôi, khoảng cách từ chân tường đến miệng sóng giờ chỉ còn chưa đầy 2m, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo nguy hiểm đến tính mạng” - bà Nề tâm sự.
Ông Huỳnh Văn Lân (46 tuổi) ở xóm Chánh Đông tính toán: Cứ theo tốc độ biển xâm thực, vài năm nữa, chỗ này mênh mông biển nước. Những căn nhà ở phía trước mặt nước biển vài năm trước còn cách mép nước cả trăm mét, bây giờ chỉ còn chừng vài chục bước chân. Mùa biển động, có lúc sóng xô vào đến tận nhà, đánh vào vách đá bọc trước nhà.
Nói về tình trạng biển lấn làng, ông Lê Dương Thanh - Trưởng thôn Trung Lương thở dài: “Toàn thôn hiện có 715 hộ với 3.100 nhân khẩu, trong đó 118 hộ hiện đang sống trong vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn, tập trung chủ yếu ở xóm Chánh Nghĩa, Chánh Lương, Chánh Đông 1, Chánh Đông 2 và xóm Chánh Phước. Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển lại bị “gặm nhấm”, bào mòn. Nhiều ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị khoét rỗng chân tường và đổ sập xuống biển bất kỳ lúc nào”.
Cán bộ địa chính Nguyễn Ngọc Thạch kể, cứ vào mùa lũ, địa phương phải cắt cử cán bộ “cắm chốt” tại thôn để chủ động hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai. Người già, trẻ nhỏ buộc phải di tản lên nơi cao ráo, an toàn. Trai trẻ, đàn ông thì ở lại giữ nhà, trông coi tài sản. “Dù bám riết mưu sinh với biển, nhưng cuộc sống người dân địa phương đều khó khăn. Biết nguy hiểm cận kề, nhưng vì nghèo họ đành tiếp tục bám biển”- anh Thạch xót xa.
Tái định cư... không dễ
Dù đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ tiền để chuyển đến khu ở mới nhưng do kinh tế còn khó, số tiền hỗ trợ chưa đủ để xây nhà nên nhiều người đành sống chung với hiểm nguy”.
Ông Nguyễn Từ Thiện - Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, cấp đất cho 21 hộ vùng sạt lở, vùng bị thiên tai bão lũ uy hiếp ở thôn Trung Lương đến khu tái định cư ở thôn Phương Nghi có diện tích 6ha. Đến nay, đã có 14 hộ xây dựng nhà ở kiên cố, mỗi hộ nhận từ 140 - 150m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà. Nhưng việc tái định cư cho dân không dễ”.
Bà Phạm Thị Thọ (61 tuổi, ở xóm Chánh Lương, thôn Trung Lương) nằm trong diện phải di dời vào khu tái định cư triều cường Trung Lương. Đất đã được giao, nhưng chần chừ mãi đến giờ bà cũng không chuyển lên đó ở. “Vợ chồng tích góp mấy chục năm, vay mượn thêm bà con anh em lối xóm mới dựng được căn nhà kiên cố ở gần biển, giờ bảo chuyển vào trong khu tái định cư thì lấy tiền đâu mà xây nhà” - bà Thọ trăn trở.
Ông Bùi Đắc Cường -Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định lý giải: “Hầu hết người dân ở vùng sạt lở và nguy hiểm phải di dời là dân nghèo, dù mức hỗ trợ di dời tăng lên 2 lần, tức từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ, song vẫn không đáp ứng đủ kinh phí xây dựng nhà cửa. Mặt khác, do đời sống lâu đời gắn liền với đất ở và mồ mả tổ tiên... nên một số hộ không muốn đến nơi ở mới”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.