Đây là tập sách thứ 9 của nhà văn gốc Bình Định nhưng chọn Nha Trang (Khánh Hòa) làm chỗ “gửi thân trọn đời” này.
Có cảm giác tiêng tiếc khi phải gấp sách lại khi đọc đến dòng cuối cùng vì với một lão nhà văn đã bước sang tuổi “thất thập” như Cao Duy Thảo mà kể chuyện rất trẻ trung như các bút ký trong tập sách thì quả là tiếc thật. Nhất là sách chỉ có 6 câu chuyện, ngót 200 trang, chữ lại in to như con gà cồ, đọc nhoáng cái, đã hết sách! Nhưng những gì còn đọng lại sau khi đọc tập sách thì chẳng “nhoáng một cái” chút nào.
6 câu chuyện được nhà văn chép lại sau mỗi chuyến đi, không gian mỗi chuyện có khác nhau, từ Trung Hoa lục địa cho mãi đến tận nước Mỹ xa xôi; từ Cam Ranh quân cảng đến Phù Cát quê nhà, rồi Quảng Nam- vùng đất mà nhà văn đã gửi trọn tuổi thanh xuân đời mình qua 9 năm kháng chiến chống Mỹ (1966-1975).
Nhưng tất cả những câu chuyện ấy gặp nhau ở một điểm: Cái nhìn của một nhà văn từng trải trước thế sự cũng như những con người mà ông có dịp tiếp xúc đều hiện lên với những vẻ đẹp lung linh lẫn xót đắng. Các ghi chép của Cao Duy Thảo trong tập sách là những câu chuyện thực nhưng lại được soi rọi qua cặp mắt của một nhà văn từng trải.
Vì vậy, mỗi chi tiết đều được nhà văn phả vào đó những cảm nhận thấu đáo của riêng mình. Chi tiết về Rừng Càn ở Phù Cát quê ông là một ví dụ. Cứ ngỡ “càn” là loại cây mọc thành rừng nhưng không phải. Đó là rừng chông chống giặc đi càn, dân nói riết thành quen.
Câu chuyện về Rừng Càn được nhà văn giải thích khiến đứa cháu bác sĩ của ông ngẩn ngơ. Rồi ông hạ một câu triết lý: “Nó (người cháu) không ngờ chỉ một cái tên tưởng như thường tình như vậy lại ẩn giấu cả sự tích hào hùng của quê hương một thời”.
Tuổi 70 mà “sóng (còn) vỗ mạn thuyền” như Cao Duy Thảo, thật quý xiết bao.
Trần Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.