Sốt đất dựng đứng từ Bắc vào Nam: Ai hưởng lợi?

Quỳnh Chi Thứ tư, ngày 24/03/2021 13:24 PM (GMT+7)
Từ cuối năm 2020, đặc biệt là từ sau tết đến nay thị trường bất động sản (BĐS) từ Bắc tới Nam bỗng đồng loạt “sốt” trên diện rộng, tăng giá dựng đứng với nhiều lý do: Xây dựng sân bay, quy hoạch khu đô thị, lên quận, gần kề khu công nghiệp,…
Bình luận 0

Khảo sát một số địa phương cho thấy, trung bình giá đất tăng 10% sau 1 tháng, cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Giá đất tăng 2 – 3 lần trong một tháng

Trước hết, có lẽ phải kể đến câu chuyện sốt đất tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội năm 2020. Trước tin đồn sắp có một tập đoàn lớn sẽ về đây đầu tư dự án BĐS, ngay lập tức nơi đây trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư và “cò đất”.

img

Cứ ở đâu có thông tin quy hoạch, ở đó sẽ trở thành tâm điểm của "cò" đất

Người mua với nhu cầu thực chưa thấy đâu, nhưng đội ngũ “cò” được dịp hoạt động rầm rộ. Xuân H. – một nhân viên môi giới ở khu vực này từng chia sẻ, trong những ngày đỉnh điểm chị đã làm hợp đồng đặt cọc 4 lô đất cho khách, có lô ngày hôm nay đặt cọc ngày mai đã bán “sang tay” chênh cả trăm triệu đồng.

Tại Lương Sơn, Hòa Bình, với thông tin một tập đoàn lớn chuẩn bị xây dựng dự án nghỉ dưỡng ở khu vực hồ Đồng Chanh. Dù thông tin chưa rõ ràng, nhưng giá đất tại làng ven hồ đã tăng nhảy vọt, từ 1 triệu đồng/m2 nay được môi giới “thổi giá” 5 triệu/m2 và hứa hẹn “đảm bảo sẽ tăng gấp đôi sau một tháng”.

Trên thực tế, ông Hoàng Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn thừa nhận: “Có việc rao bán đất quanh khu vực hồ Đồng Chanh với giá gấp 2-3 lần mức giá năm ngoái”.

Lãnh đạo xã cũng khẳng định việc xây dựng khu công viên, vui chơi, sân tennis... ở khu vực hồ Đồng Chanh theo quảng cáo của môi giới là không đúng, đây chỉ là chiêu thổi phồng giá đất của môi giới. Quanh khu vực này chỉ có 2 dự án nghỉ dưỡng đã được phê duyệt. Một dự án chuẩn bị làm giai đoạn 2, một dự án cũng đang xây dựng nhưng chưa mở bán.

img

Thông tin quy hoạch sân bay đã khiến đất nông nghiệp, đất rừng một số địa phương "dậy sóng"

Tiếp đến là cơn sốt đất trước thông tin kiến nghị xây dựng sân bay Técníc ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và sân bay Phan Thiết ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), đã khiến dư luận dậy sóng trong thời gian qua.

Đến nay, tuy đã lắng dịu nhưng hệ lụy của nó thì người dân và địa phương vẫn đang gánh chịu.

Tại Bắc Giang, “ăn theo” lời đồn dự án cụm công nghiệp, giá đất nền khu vực huyện Lục Nam, huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên trong những ngày qua đồng loạt tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong một tháng. Hiện giá đất nền đang được chào bán với mức 20 - 30 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi lên tới 40 triệu đồng/m2. Trong khi giá trước đó chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2.“Sau khi cụm Công nghiệp Lan Sơn 2 đi vào hoạt động, giá đất chắc chắn không dưới 50 triệu đồng/m2”, Nguyễn Nam – một môi giới khu vực trên cho hay.

Không chỉ đất thổ cư, một số nơi đất ruộng cũng được các “cò” săn lùng. Tại các địa phương thuộc huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) và huyện Phú Hòa (Phú Yên), theo phản ánh của người dân hằng ngày có rất nhiều nhân viên bất động sản đi “săn lùng” hỏi mua đất. Đáng nói là nhiều người dân thấy lợi trước mắt đã bán tháo rất nhiều ruộng lúa hoặc mảnh vườn (đất trồng cây lâu năm) đã nuôi sống gia đình mình bao đời.

Tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên) đang diễn ra tình trạng người dân đổ xô bán đất lúa với giá từ 100 - 150 triệu đồng (tùy theo diện tích). Bà H.T.L (thôn Phước Khánh) cho biết, bà đã bán 1 sào ruộng lúa với giá hơn 100 triệu đồng. “Tôi chỉ có một sào nhưng thấy được tiền hơn làm lúa nên bán luôn” - bà H.T.L cho hay.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị cho biết, từ khi có các dự án của tỉnh mở rộng đường Trần Phú nối dài cũng như mở rộng về phía Bắc Quốc lộ 25 thì rộ lên vấn đề người dân bán đất lúa.

img

Đất ven sông Hồng đều được mua bán với diện tích lớn

Trong khi cơn sốt đất tại các tỉnh thành chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì vài tuần trở lại đây, ngay tại Hà Nội, giới đầu tư BĐS lại tiếp tục đứng ngồi không yên trước thông tin quy hoạch thành phố ven sông Hồng. Rất đông môi giới nhà đất lại đổ về các địa phương tiếp giáp sông Hồng để tạo sóng. Đáng chú ý, cả đất thổ cư, và đất nông nghiệp, ruộng vườn ven sông cũng bị rơi vào tầm ngắm. Khảo sát tại tại xã Xuân Cảnh, xã Hải Bối, nếu so với trước tết Nguyên đán 2021, đến thời điểm này giá đất tăng gấp đôi, gấp ba lần, từ 20 triệu đồng/m2 nay có nơi lên hơn 70 triệu đồng/m2.

Theo những người am hiểu thị trường BĐS, hầu hết các giao dịch trong cơn sốt đất chỉ là đặt cọc tiền, giữ đất để "lướt sóng".  Trên thực tế, dù giá nhà đất một số nơi “sốt” xình xịch, nhưng chủ yếu là đầu cơ, ít người mua để ở. Cũng khá nhiều người đã “mắc cạn” vì trót ôm hàng mà không bán được.

Điển hình tại Hớn Quản (Bình Phước), những miếng đất nông nghiệp từng được mua với giá 350 triệu đồng/m ngang lúc đỉnh “cơn sốt” thì nay xuống còn chưa tới 200 triệu đồng, song vẫn khó bán. Không ít người từ nơi khác tới đã "ôm" nhiều hecta đất rẫy vườn điều, vườn cao su với giá 2-3 tỉ đồng/sào, giờ không biết tìm ai bán lại.

Hệ lụy khó lường

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) bày tỏ lo ngại rằng tình trạng sốt đất tràn lan như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Chưa kể, nhiều người sẽ lâm cảnh nợ nần, phá sản...

Đánh giá về hệ lụy của tình trạng sốt đất ảo ở nhiều địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.

"Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó" - ông Đính nhấn mạnh.

img

Nhiều diện tích đất trồng trọt cũng bị rao bán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất

Theo ông Đính, tình trạng "thổi" giá đất còn cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi lẽ, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, khi kinh tế trên địa bàn gặp khó khăn, khó phát triển thì giá đất cũng bị kéo giảm, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã "xuống tiền" trước đó. Ông cũng bày tỏ lo ngại sốt đất sẽ gây bất ổn thị trường BĐS cả nước, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng mua bán đất.

Cũng theo ông Đính, nếu tình trạng "thổi" giá nhà, đất không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường cũng như các chính sách phát triển nhà ở của nhà nước.

"Giá đất tăng làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng gây khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... đang gặp nhiều khó khăn trong việc bán căn hộ" - ông Đính phân tích.

Thông tin với báo chí, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận có tình trạng sốt giá đất ở một số địa phương trong một số thời điểm. Bộ cho biết, đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem