Startup công nghệ Việt mang lời giải cho bài toán quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 30/03/2023 12:00 PM (GMT+7)
Triển khai giải pháp Phần mềm Quản lý doanh nghiệp (ERP) cho các doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng tất yếu. Nắm bắt điều này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tego (Tego) bắt đầu khởi nghiệp từ cuối năm 2021.
Bình luận 0

Quản trị doanh nghiệp là một công việc cần nhiều yếu tố để đạt được thành công. Trong đó, công nghệ là một trong những giải pháp tối ưu, hỗ trợ chuyển dịch các mô hình và cách thức hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời đại cách mạng 4.0 và tiến tới 5.0, ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố quyết định trong việc bắt kịp xu hướng kinh doanh mới. Nó giúp doanh nghiệp hoàn thiện mô hình, cách thức bán hàng hiệu quả.

Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp quản lý và giải quyết các vấn đề nhanh chóng. Hoạt động quản lý doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh, nhân viên. Do đó, nếu bạn không ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp, quá trình làm việc sẽ trở nên trì trệ và kém phát triển.

Startup công nghệ Việt mang lời giải cho bài toán quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Ông Dương Ngô Anh, Tổng giám đốc Tego chia sẻ về hành trình khởi nghiệp.

Sử dụng công nghệ trong hoạt động doanh nghiệp giúp bạn nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế thị trường. Xu thế hiện đại và tối ưu hoá luôn là thiết yếu của bất kỳ nền kinh tế nào. Do đó, bạn khó bứt phá và có những bước tiến xa trong kinh doanh nếu không tận dụng công nghệ trong quá trình vận hành.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tego (Tego) là doanh nghiệp chuyên sâu phát triển và triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh – xã hội.

Sản phẩm chính của Tego là "Phần mềm/Ứng dụng công nghệ thông tin", "Phần mềm Quản lý doanh nghiệp (ERP)" và các dịch vụ về giải pháp tư vấn doanh nghiệp. Thế mạnh của Tego là hiểu sâu sắc về Tài chính kế toán, quản trị vận hành tổng thể doanh nghiệp (Front office, Back office, Middle office;, đặc thù quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam và có kinh nghiệm triển khai phần mềm.

Ông Dương Ngô Anh, Tổng giám đốc Tego chia sẻ: "Tego khởi nghiệp từ cuối năm 2021. Trong thời điểm chuyển đổi số diễn ra rất mạnh mẽ, Tego ra đời với mong muốn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, năng cao năng suất, trung thực minh bạch về các số liệu quản trị".

Nói cụ thể hơn về phần mềm quản trị doanh trị ERP, ông Dương Ngô Anh khẳng định, ERP cho phép các doanh nghiệp quản trị quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp có thể sử dụng các hệ thống ứng dụng tích hợp để xử lý toàn bộ nhiệm vụ của quá trình sản xuất. Toàn bộ dòng chảy dữ liệu xuyên suốt qua các phòng ban, hành trình khách hàng và hoạt động. Nhờ đó, hoạt động và thời gian quản trị doanh nghiệp được rút ngắn, hiện đại và hiệu quả hơn.

Startup công nghệ Việt mang lời giải cho bài toán quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 2.

Tego là doanh nghiệp chuyên sâu phát triển và triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh – xã hội.

ERP giúp doanh nghiệp quản lý thông tin khách hàng tối đa và cải thiện doanh thu. Ngay khi một nhân viên nhập dữ liệu vào hệ thống, nhân sự tại các phòng ban theo dõi toàn bộ thông tin đơn hàng và khách hàng.

Đồng thời ERP cũng giúp người dùng thực hiện nhiều chức năng văn phòng liên quan tới nguồn nhân lực, dịch vụ và công nghệ hoàn toàn tự động. Phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp tạo ra những cơ chế phù hợp, thúc đẩy cải tiến quy trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Nó cho phép kiểm soát lượng tồn kho, hàng nhập để tránh tổn thất kinh tế.

Nhà quản trị sử dụng ERP để chuẩn hóa hoạt động nhân sự thông qua đánh giá về chất lượng công việc, KPI, thực lực. Nhờ đó, doanh nghiệp đưa ra chế độ lương, thưởng, quy chế phạt phù hợp hơn. Tạo điều kiện để nắm bắt xu hướng kinh doanh ở bất cứ đâu, hỗ trợ quá trình bán hàng thông suốt, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng.

Startup bao giờ cũng gặp những khó khăn. Ông Dương Ngô Anh thẳng thắn bày tỏ: "Trong bối cảnh nền kinh tế sau khi kết thúc đại dịch Covid-19, đặc biệt room tín dụng, thị trường suy thoái, không phải bất kì doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua một phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ở thời điểm này cũng có quá nhiều khoản phải chi. Có thể họ chưa nhìn thấy ngay được lợi ích khi sử dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp nên với các startup như chúng tôi vẫn phải kiên trì".

"Điều quan trọng hơn, là một startup non trẻ, việc thuyết phục được tại sao bạn tin chúng tôi, bạn sử dụng phần mềm của chúng tôi cũng là cả vấn đề".

Tuy nhiên Tego có niềm tin về sự phát triển trong tương lai khi đội ngũ Founder đều là những người có kinh nghiệm trong quá trình làm việc cho các doanh nghiệp trước đây.

Startup công nghệ Việt mang lời giải cho bài toán quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 3.

Dù khởi nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng Tego vẫn có những lợi thế nhất định và kì vọng sẽ phát triển.

Nói về mục tiêu của Tego, ông Dương Ngô Anh nói: "Trong 3 năm tới, chúng tôi quyết tâm phục vụ cho khoảng 500 doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên gia của Tego sẽ không ngừng trau dồi kinh nghiệm để mang đến sản phẩm với giá trị cao nhất tới các doanh nghiệp. Mục tiêu ngắn hạn trong năm 2023 này, Tego hướng đến phục vụ tối thiểu 50 doanh nghiệp sử dụng phần mềm ERP của Tego".

Với doanh nghiệp khởi nghiệp, câu chuyện cần có vốn đầu tư. "Để mô hình kinh doanh phát triển, Tego cũng như các startup, rất cần đến các quỹ đầu tư. Hiện cũng có một số quỹ đầu trong quá trình đồng hành cùng Tego, đồng thời chúng tôi đã đưa ra một số cam kết về KPI. Có thể trong quý 3 năm nay, Tego sẽ chính thức làm việc và có deal đầu tư đầu tiên", ông Dương Ngô Anh bật mí.

Ông Dương Ngô Anh, Tổng giám đốc Tego chia sẻ về hành trình khởi nghiệp.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành qua thời gian 7 năm đã mang đến nhiều sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng start-up.

Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhà đầu tư rất cao, đứng thứ hai chỉ sau Singapore.

Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn tại khu vực Đông Nam Á nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái chung. Bằng chứng là sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021) , số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem