Start up Medigo bị gọi là hoang tưởng, "ngáo giá nhất" mùa 4
Xuất hiện trong tập 15 của Shark Tank mùa 4, Hồ Sĩ Duy, CEO Founder của ứng dụng Medigo kêu gọi 1,85 tỷ đồng cho 1% cổ phần của công ty.
Medigo là một nền tảng kết nối nhiều dịch vụ y tế với nhau, là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay cho phép đặt thuốc xuyên đêm và giao hàng siêu tốc. Medigo hoạt động từ năm 2019, đến nay đã có hơn 150.000 người sử dụng, nhận được hơn 2.500 đánh giá trên các kho ứng dụng với điểm số trung bình là 4,9 sao.
Hồ Sĩ Duy, CEO Founder của ứng dụng Medigo. Ảnh: Shark Tank
Hiện tại, Medigo đang hợp tác với hơn 150 nhà thuốc và một chuỗi nhà thuốc lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng cùng với 2 đơn vị vận chuyển để giao hàng.
Một trong những lý do giúp Medigo tự tin định giá công ty lên đến 185 tỷ đồng là bởi họ đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn 300.000 USD sau 2 vòng gọi vốn. Định giá post-money (giá trị công ty sau khi gọi vốn) trong vòng đầu tiên của công ty là 9 tỷ đồng, vòng thứ 2 là 40 tỷ, nếu đạt KPI sẽ được đầu tư tiếp 800.000 USD với định giá công ty là 115 tỷ.
Khi được Shark Hưng hỏi đây chỉ là ứng dụng thương mại điện tử cho bán thuốc và tại sao cần phải đầu tư nhiều tiền đến vậy thì Hồ Sĩ Duy cho biết startup có nhiều hướng đi và cần chi phí phát triển đội ngũ, mở rộng ứng dụng trên các thành phố và chi phí marketing.
Theo đó, mỗi tháng Medigo "đốt" 280 triệu. GMV (tổng lượng giá trị giao dịch) hàng tháng tính cả tiền bán thuốc và tiền ship là khoảng 800 triệu. Doanh thu của Medigo đến từ việc thu 5 – 10% tiền commission (hoa hồng) với nhà thuốc và dự kiến tháng 9, tháng 10 năm nay sẽ break even (hòa vốn).
Shark Hưng cho rằng mô hình kinh doanh của Medigo quá ngách vì nhu cầu mua thuốc sau 11h đêm quá bé. Ảnh: Shark Tank
Shark Hưng cho rằng mô hình kinh doanh của Medigo quá ngách vì nhu cầu mua thuốc sau 11h đêm quá bé, trong khi đó thuốc không kê đơn là những loại thuốc không quá cấp bách. Trong khi đó, round 2 của Medigo định giá 115 tỷ nếu đạt KPI nhưng KPI chưa đạt được mà startup đã gọi vốn với định giá 185 tỷ là điều phi lý cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Shark Liên thì đánh giá: "Đứa trẻ khi bị bệnh mà không có bác sĩ kê toa, đi ra tự động mua cực kỳ nguy hiểm. Chở con đến bệnh viện là phương án hay nhất". Bên cạnh đó, Shark Liên cũng cho rằng mức định giá của Medigo quá cao, bà gọi là "bệnh hoang tưởng" nên từ chối đầu tư.
Shark Phú cho rằng đây không phải là lĩnh vực sở trường của mình nên quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Louis bày tỏ sự băn khoăn: "Nếu mà bạn làm giao hàng đêm và ban ngày về dược không thôi, tôi cảm thấy thị trường không đủ sức cạnh tranh. Nếu mà một công ty dược lớn mở một chi nhánh là có thể nuốt bạn liền".
Sĩ Duy cho biết: "Theo em được biết, để một nhà thuốc hoạt động được cả đêm lẫn ngày, thường nếu chỉ dựa vào lượng user (người dùng) xung quanh nhà thuốc là không đủ để nhà thuốc đó hoạt động, chắc chắn nó sẽ lỗ. Vì vậy cần công cụ hỗ trợ như ứng dụng để tăng bán kính phục vụ của nhà thuốc đó lên về đêm. Em nghĩ đó là một lượng đánh đổi cũng phải cân nhắc rất nhiều".
Dù rất thích ngành này nhưng cảm thấy không đủ sức thuyết phục nên Shark Louis đã từ chối đầu tư. Ảnh: Shark Tank
Tiếp đó, Shark Louis đặt câu hỏi về quy mô thị trường nhưng đại diện startup không nhớ con số chính xác. Dù rất thích ngành này nhưng cảm thấy không đủ sức thuyết phục nên Shark Louis đã từ chối đầu tư.
Về phần Shark Bình, anh nhận định đây là startup "ngáo giá nhất" của mùa 4. "Hệ số định giá một công ty ecommerce (thương mại điện tử) dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm... Giá trị startup của em theo công thức định giá theo GMV thì chỉ đáng khoảng 10 tỷ đồng thôi. Mà em chào các Shark 185 tỷ là cao hơn 18,5 lần so với giá trị thực theo đúng công thức định giá của ngành", Shark Bình phân tích.
Bên cạnh đó, Shark cũng nhận xét, thị trường của Medigo là "ngách của ngách của ngách", "dù mình có là số một, không ai làm giống mình vì người ta không thèm làm". Cuối cùng, Shark Bình từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình kinh doanh.
Startup MoneyBot được khuyên nên dừng lại để "đỡ phí thanh xuân"
Cũng trong tập 15 của chương trình Shark Tank Việt Nam, bà Trần Thu Hằng và ông Trần Đức Giang, hai người đồng sáng lập của dự án MoneyBot, mong muốn kêu gọi 1,5 tỷ cho 10% cổ phần.
MoneyBot hiện là ứng dụng quản lý tài chính cá nhân đầu tiên và duy nhất trên thị trường có tính năng chatbot và áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ người dùng nhập thông tin chi tiêu của mình dưới ba hình thức: tin nhắn văn bản, tin nhắn âm thanh và quét hoá đơn.
Trần Thu Hằng, Trần Đức Giang, Nguyễn Thị Tú Sương (từ trái sai phải) – 3 nhà đồng sáng lập của Money Bot. Ảnh: Shark Tank
Bên cạnh đó, Moneybot đưa ra lời khuyên về chi tiêu cho người sử dụng. Kế hoạch sắp tới của Moneybot là tích hợp với ví, ngân hàng và bảo hiểm để ứng dụng này trở thành đơn vị phân phối sản phẩm và dịch vụ trực tiếp của ngân hàng và bảo hiểm.
Đội ngũ của MoneyBot cũng dự tính năm đầu tiên chi phí sẽ là 3,8 tỷ và doanh thu 6,3 tỷ, điểm rơi lợi nhuận sẽ đến sau 1-3 năm. Doanh thu đến từ số lượng tải về (khi đạt đến một số lượng tải về nào đó, Apple hay Google sẽ trả tiền cho các nhà phát hành trên mỗi lượt tải về), bán tài khoản trả phí (premium) và quảng cáo.
MoneyBot là ứng dụng miễn phí, tháng 6 chính thức ra mắt trên Appstore. Tuy nhiên, ở thời điểm gọi vốn, ứng dụng MoneyBot vẫn chưa được đưa lên các kho ứng dụng.
Shark Bình nhận định MoneyBot không có gì đặc biệt, ra mắt muộn nên cơ hội thị trường đã qua mất. Ảnh: Shark Tank
Sau khi nghe startup trình bày, Shark Bình nhận định MoneyBot bản chất là app ghi sổ, ghi và thống kê các hạng mục chi tiêu. Trong khi đó, MoneyBot không có gì đặc biệt hay bí quyết, ra mắt tương đối muộn nên cơ hội thị trường đã qua mất nên Shark Bình khuyên đội ngũ MoneyBot không nên đi theo hướng này nữa.
Shark Hưng cho rằng startup vẫn có thể đi theo hướng này nhưng phải nghĩ theo mô hình khác. Vì mô hình kinh doanh của startup đang thu tiền một cách rất truyền thống, khó tăng trưởng được lớn.
Lúc này, Nguyễn Thị Tú Sương – Đồng sáng lập công ty cổ phần iAI - Ứng dụng MoneyBot xuất hiện tại trường quay. Với nhu cầu thị trường, cô chia sẻ MoneyBot "kỳ vọng là 5 năm sẽ đạt 1 triệu người dùng". MoneyBot sẽ xây dựng chiến dịch marketing, vào các trường đại học tổ chức hội thảo hoặc chiến dịch để thu hút sinh viên tải app, dùng các KOL để lan rộng sản phẩm.
Shark Hưng nhận định mô hình ứng dụng công nghệ nhưng thu tiền người dùng sẽ khó tăng trưởng lớn. Bởi vậy phải cần kết hợp và tập trung vào việc bán các gói tài chính cá nhân, sản phẩm của bảo hiểm hay dịch vụ đầu tư, tư vấn tiêu dùng.
Shark Hưng cho rằng Money Bot nên thay đổi mô hình kinh doanh. Ảnh: Shark Tank
"Facebook cho người dùng miễn phí và chỉ thu tiền 1 số ít chạy quảng cáo trên đó. Nếu bạn muốn bán được quảng cáo, kiếm được hoa hồng thì phải miễn phí cái tải ứng dụng, và phải làm sao cho thật hữu dụng để người dùng mua được…", Shark Hưng phân tích. Cuối cùng Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Shark Bình khẳng định MoneyBot còn "non và xanh" và khuyên startup không nên làm nữa. "Sinh sau đẻ muộn, lại không có gì đặc biệt, chi phí phải gấp 3 lần mới giành lại được khách hàng thì làm gì có cửa. Thế nên anh khuyên các em, đừng phí tuổi thanh xuân và tiền của các Shark", Shark Bình nói và quyết định từ chối đầu tư.
Shark Liên cũng từ chối đầu tư nhưng hứa sẽ là khách hàng của MoneyBot. Còn Shark Phú cho rằng startup chưa ấn tượng nên quyết định không đầu tư.
Shark Linh cho rằng MoneyBot đã làm đúng ở việc bắt đầu từ "nỗi đau" của người dùng khi dùng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trước đây. Tuy nhiên, startup chưa tư duy đủ sâu cho các hướng đi tiếp theo. Bởi vậy, Shark Linh cũng không đầu tư. MoneyBot ra về tay trắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.