Ai chịu trách nhiệm về sự cố nứt đê hữu Hồng đặc biệt nghiêm trọng?
Sự cố nứt đê hữu Hồng đặc biệt nghiêm trọng: Ai chịu trách nhiệm?
Trần Kháng
Thứ tư, ngày 19/05/2021 08:30 AM (GMT+7)
Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình thu và trạm bơm nước thô dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra sự cố nứt đê hữu Hồng đặc biệt nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm với vai trò là đơn vị cấp phép.
Mới đây, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đảm bảo an toàn phòng chống lũ của đê hữu Hồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, quá trình thi công đào hố móng công trình thu và trạm bơm nước thô đã gây ra sự cố nứt dọc mặt đê và mặt hành lang thượng lưu đê Hữu Hồng tại K46+130 đến K46+280, địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.
"Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và khả năng phòng chống lũ của đê, trong khi hiện nay đã bước vào mùa mưa lũ chính vụ năm 2021", văn bản do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.
Để đảm bảo an toàn chống lũ của đê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND TP khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá nguyên nhân, xác định giải pháp và tổ chức xử lý khẩn cấp, triệt để sự cố để đảm bảo an toàn chống lũ của đê trong mùa mưa lũ năm 2021.
Đồng thời, tăng cường giám sát, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi diễn biến sự cố, xử lý ngay các tình huống bất lợi ảnh hưởng tới đê điều.
Đặc biệt, xác định đoạn đê hữu Hồng khu vực xảy ra sự cố là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2021. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm.
Hà Nội phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, nguyên nhân nứt dọc mặt đê là do thi công công trình thu và trạm bơm nước thô - một trong những hạng mục xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra.
Theo tài liệu ông Luận cung cấp tới PV, việc nứt đê này đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cảnh báo từ trước.
Cụ thể, tháng 4/2016, Tổng cục Thủy lợi (nay là Tổng Cục Phòng chống, thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) đã có văn bản ý kiến về vị trí, phương án xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Hồng.
Văn bản của đơn vị này đã khuyến cáo, vị trí dự kiến xây dựng công trình thu - trạm cấp nước thô đê Hữu Hồng nằm ở khu vực bãi sông hẹp, đê sát sông (đã phải đầu tư xây dựng kè bảo vệ phía ngoài) liên quan trực tiếp đến tuyến đê cấp I bảo vệ cho Thủ đô. Trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, nếu công trình có nguy cơ mất an toàn thì cũng là nguy cơ mất an toàn của tuyến đê. Vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp (nơi có bãi sông rộng, cách xa đê) để đảm bảo an toàn đê điều.
Văn bản tháng 4/2016 trên cũng nêu ra, trường hợp phải xây dựng công trình tại vị trí trên, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu giải pháp công trình phù hợp đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão.
Ngoài ra, trong các văn bản liên quan từ năm 2018 đến cuối năm 2020, dù có thống nhất với UBND TP Hà Nội về vị trí xây dựng công trình trạm thu nước thô tại bãi sông Hồng (tương ứng K46+130 – K46+280 đê hữu Hồng) trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng đều đề nghị Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan liên quan rà soát, tính toán, lựa chọn giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn đê điều và công trình, không gây xói lở bờ sông và cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy lợi lân cận…
Vấn đề đặt ra "nếu xảy ra vỡ đê tại vị trí trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm?", vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận khẳng định, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và TP Hà Nội. Trong đó, TP Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm với vai trò là đơn vị cấp phép.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 4/1/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký Quyết định cấp phép xây dựng công trình thu - trạm cấp nước thô được xây dựng tại khu vực bãi sông Hồng, tương ứng k46+130 đến K46+280 đê Hữu Hồng huyện Đan Phượng. Thời gian cấp phép thi công thực hiện đến hết 31/5/2015. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 vừa qua, sự cố nứt đê tại vị trí đã xảy ra. Nguyên nhân được xác định do việc đào hố móng của trạm bơm nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.