Ngày 6/2/1943, một đoàn tàu hỏa của Liên Xô tiến vào thành phố Leningrad (St.Petersburg ngày nay). Đó là đoàn tàu đầu tiên tiếp cận thành phố sau 500 ngày bị phát xít Đức vây hãm. Trên các toa tàu, người ta chất đầy nhu yếu phẩm cung cấp cho cư dân, binh sĩ đang gồng mình chống lại nạn đói và quân xâm lược quyết tâm xóa sổ thành phố khỏi bản đồ thế giới. Nhưng quan trọng hơn, đoàn tàu còn chở một đạo quân tiếp viện nhằm chống lại một kẻ thù đặc biệt nguy hiểm khác.
Trước đó, ngày 8/9/1941, phát xít Đức chính thức khép chặt vòng vây Leningrad. Theo chỉ thị của Hitler, quân Đức sẽ tận diệt cư dân bằng nạn đói, sau đó biến nơi khai sinh của Cách mạng Tháng Mười thành một đống tro tàn. Người dân Leningrad trong vòng vây phải cầm cự với thực phẩm gần như cạn kiệt, mùa đông lạnh tới âm 30 độ C. Chỉ có một con đường duy nhất để ra vào thành phố trong mùa đông là qua mặt hồ Ladoga đóng băng dày, dưới mưa bom bão đạn của quân Đức.
Binh sĩ Hồng quân vuốt ve một chú mèo trong thành phố Leningrad. Ảnh: Sputnik
Chính vì thế, giải vây cho Leningrad là ưu tiên hàng đầu của Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô. Đầu tháng 1/1943, chiến dịch “Iskra” (Tia lửa) được tiến hành ngay sau khi Hồng quân giành được thắng lợi trên các mặt trận khác. Ba quân đoàn được triển khai nhằm mục đích mở một hành lang cứu thành phố đang rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chiến sự ác liệt kéo dài cho đến khi Hồng quân mở được một hành lang rộng 5km. Các đơn vị công binh ngay lập tức xây dựng một tuyến đường sắt dài 30km trong thời hạn 20 ngày, nhưng họ đã hoàn thành chỉ sau hai tuần. Ngày 6/2/1943, đoàn tàu hỏa đầu tiên tiến vào Leningrad. Vòng vây chính thức bị chọc thủng, nhưng thành phố chưa được giải thoát hoàn toàn. Hành lang quý giá vẫn nằm trong tầm pháo và phải hứng chịu nhiều đợt phản công dữ dội.
Các toa tàu chở đầy nhu yếu phẩm bắt đầu đến tay những cư dân đang trên bờ vực của sự hủy diệt. Trong số đó, có 4 toa được dành riêng để chở quân tiếp viện. Nhưng đội quân này không mặc quân phục mà có nhiều màu khác nhau, không cầm súng mà sử dụng răng nanh, móng vuốt. Đó là… hơn 5.000 chú mèo.
Tính đến lúc ấy, khoảng gần một triệu người dân Leningrad đã thiệt mạng vì đói, giá rét và bom đạn. Cảnh tượng còn thảm khốc hơn khi số người ngã xuống quá nhiều, khiến những người còn sống không đủ sức hay thời gian để mai táng. Mặt đất đông cứng vì băng giá. Người chết chỉ được chôn cất qua loa trong các ngôi mộ nông, vùi trong tuyết hoặc để mặc trên đường phố, trong các đống đổ nát. Xác người trở thành nguồn thức ăn của loài chuột, tạo điều kiện cho chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Chẳng mấy chốc, bầy chuột đông không đếm xuể len lỏi trong mọi ngõ ngách, tràn ra đường phố như một cơn lũ đen bẩn thỉu. Chúng ngấu nghiến mọi thứ có thể ăn được và nhanh chóng mò đến những mẩu bánh mỳ ít ỏi. Nguy hiểm hơn cả, đi cùng với chúng là nhiều căn bệnh, trong đó có cả bệnh dịch hạch được mệnh danh là “cái chết đen”. Mối đe dọa dịch bệnh và cạn kiệt lương thực do chuột gây ra có thể bẻ gãy sức kháng cự của Leningrad bất cứ lúc nào.
Theo yêu cầu khẩn cấp của lãnh đạo Leningrad, Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô ra lệnh thu gom mèo từ khắp các thành phố trên đất nước Nga. Khi đến nơi, khoảng 3.000 “chiến sĩ mèo” ngay lập tức được đưa về các kho lương thực và các hộ gia đình, số còn lại được thả ra đường phố.
“Quân tiếp viện” nhanh chóng bắt tay làm nhiệm vụ, tàn sát bất kỳ con chuột nào bén mảng đến những nơi có chúng canh gác. Do không thoát khỏi nanh vuốt, cũng như bản năng sợ hãi trước “khắc tinh”, chuột không thể kiếm ăn được và số lượng suy giảm rõ rệt chỉ sau vài tháng. Lương thực cho người dân được bảo toàn và nguy cơ dịch bệnh bị dập tắt. Theo nhiều sử gia, chính sự có mặt của mèo đã góp công lớn giúp cư dân thành phố sống sót, tập trung chiến đấu phá vòng vây.
Thú vị hơn cả, nhiều trường hợp ghi nhận mèo giúp người dân thành phố tránh được bom đạn. Nhờ các giác quan nhạy bén, bầy mèo phản ứng, tìm chỗ ẩn nấp trước khi con người kịp nghe thấy có pháo kích hoặc máy bay Đức đến. Người dân làm theo hành động của mèo và đã an toàn trước nhiều đợt tấn công như vậy.
Ngoài ra, những chú mèo còn là nguồn động viên tinh thần quý giá cho người dân và binh lính Hồng quân đang chiến đấu. Nhờ vậy, “đạo quân” này được người dân gọi với biệt danh trìu mến: “Sư đoàn kêu meo”.
Sau chiến tranh, người dân Leningrad đúc hai bức tượng mèo, đặt tên là Elisey và Vasilisa, đại diện cho “sư đoàn” đặc biệt đã góp công lớn cứu thành phố. Hai bức tượng đến nay vẫn nằm khiêm tốn trên phố cổ Sadovaya của thành phố St. Petersburg, từ trên cao nhìn xuống như thể vẫn đang “canh gác” con phố khỏi lũ chuột. Có quan niệm cho rằng, nếu một người đứng dưới tung đồng xu lên vị trí đặt tượng mà không rơi xuống, Elisey và Vasilisa sẽ đem lại cho người đó nhiều may mắn, hạnh phúc.
Đăng Sơn (Quân đội nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.