Sự kiện Brexit: Câu chuyện buồn của nền kinh tế toàn cầu

Trần Giang Thứ hai, ngày 27/06/2016 06:32 AM (GMT+7)
Với 52% cử tri Anh tán thành trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 24.6, nước Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam, sự kiện này là một câu chuyện buồn cho cả nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, nhất là hoạt động thương mại.
Bình luận 0

img

TS. Nguyễn Xuân Thành

Nhìn từ góc độ kinh tế, việc nước Anh rời khỏi EU sẽ tác động thế nào tới Việt Nam, thưa tiến sĩ?

- Sự kiện ngày 24.6 vừa qua là câu chuyện buồn cho cả nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ EU. Thị trường toàn cầu cũng đã có phản ứng. Nhiều quan điểm cho rằng đó là phản ứng thái quá nhưng thực ra là phản ánh đúng tâm lý lo ngại lâu nay là nước Anh sẽ ở lại hay ra đi khỏi EU.

Nhưng giới kinh tế tài chính thế giới đều tính toán là người Anh sẽ ở lại EU và kết quả này là câu chuyện bất ngờ. Nó sẽ tác động rất xấu với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mà cụ thể là thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá…

img

Thủy sản là một mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Anh. Ảnh:  T.L

Nhưng tác động lớn nhất tới Việt Nam là thương mại, trong đó ngắn hạn là đồng bảng Anh giảm giá, xuất khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay.

Sự mất giá của đồng bảng Anh cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư trong ngắn hạn. Việc đồng bảng Anh mất giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Anh, trong đó có cả đầu tư sang Việt Nam. Thị trường chứng khoán, tài chính không bị tác động đáng kể.

Còn tác động trung hạn là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã hoàn thành việc ký kết.

Ông có thể phân tích rõ hơn việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động thế nào tới hoạt động thương mại của Việt Nam và Anh?

- Quyết định này tác động ngay đến thương mại của Việt Nam. Trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Việt Nam là một trong số ít các nước và vũng lãnh thổ có quan hệ thương mại lớn với Anh, lớn nhất là Hongkong (Trung Quốc), sau đó là Việt Nam và Campuchia. Bình quân của các nước châu Á xuất khẩu sang Anh chiếm khoảng 0,7% GDP của châu Á (Đông Bắc Á và Đông Nam Á), riêng Việt Nam khoảng 2,5% GDP.

Việc đồng bảng Anh xuống giá, ít nhất là trong năm nay, tốc độ xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ chững lại. Về lâu dài thì tác động không quá lớn.

Sự kiện này cũng sẽ tác động cụ thể đến một số ngành nghề của Việt Nam có thị phần lệ thuộc vào việc xuất khẩu sang thị trường Anh, nhưng tác động tới nền kinh tế thì không phải là lớn. Ngoài ra, những doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản, may mặc, đồ nội thất… cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu lệ thuộc nhiều vào nước Anh.

Việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động thế nào tới những điều khoản thỏa thuận cũng như lộ trình thực hiện của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU?

- Đúng là có một khía cạnh khác của Brexit, liên quan đến việc hoàn thành ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và đi vào thực hiện. Trong quá trình đàm phán giữa Việt Nam – EU, Anh là một thành viên. Hiện nay hiệp định này đã hoàn tất đàm phán nhưng phải được hai phía phê chuẩn. Nếu Anh rời khỏi EU và không có động thái nào khác thì Việt Nam có những ưu đãi tiếp cận thị trường EU - không bao gồm Anh. Tuy nhiên, trong EU, Anh là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU. Như vậy, xét ở một góc nhìn, việc Anh ra khỏi EU sẽ làm giảm lợi ích của Việt Nam trong hiệp định này.

Nhiều khả năng, hiệp định này sẽ không đàm phán thêm gì cả, vì Anh sẽ không nằm trong EU và Anh không bị chi phối bởi hiệp định ấy.

Cũng có khả năng, Việt Nam cảm thấy quyền đàm phán của mình mạnh thì có thể đòi đàm phán lại, nếu như không có Anh. Vì trước đây Việt Nam phải nhượng bộ trong điều khoản là do có những lợi ích Việt Nam tiếp cận EU, trong đó có cả Anh.

Bây giờ không có nước Anh nữa thì lợi ích của Việt Nam trong hiệp định giảm đi. Như vậy, thay vì đàm phán lại các điều khoản, hiệp định này có thể thực hiện theo hình thức Anh là một nước thứ 3 tham gia hiệp định. Đây là khả năng tốt nhất cho cả Việt Nam, EU và Anh. Theo đó, nội dung hiệp định vẫn giữ nguyên nhưng mở rộng thành 3 bên.

Xin cảm ơn ông! 

TS Cấn Văn Lực - Giám đốc trung tâm đào tạo nhân lực BIDV:

“Chi phí giao dịch với Anh sẽ tăng lên

Việc Anh rời EU, đối với Việt Nam thì tác động lớn nhất là đến thương mại, đầu tư và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Riêng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có thể phải mất thêm thời gian để đàm phán lại. Vì trước đây, Việt Nam ký với một mình EU, nay phải ký với cả 2 là EU và Anh. Như vậy, thời gian hoàn tất thủ tục sẽ lâu hơn, thủ tục phê duyệt và Quốc hội thông qua sẽ lâu hơn. Hy vọng điều khoản hiệp định sẽ không bị thay đổi.

Tác động nhất định đến quan hệ Việt Nam và Anh ở góc độ là chi phí giao dịch sẽ tăng lên. Trước đây quan hệ với Anh là có mức phí chung với mức phí EU, nhưng nay có thể cao hơn vì sẽ phát sinh một số việc do Anh không còn là thành viên của khối EU.Một câu hỏi là London có tiếp tục là trung tâm tài chính châu Âu nữa hay không, điều này sẽ tác động tới giao dịch về thanh toán quốc tế, chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán phái sinh. Một tác động nữa, đó là tỷ giá Việt Nam.

Vì đồng bảng Anh mất giá, thì rổ tiền tệ của Việt Nam tham chiếu sẽ giảm một chút, khiến đồng VND tăng giá một chút so với đồng bảng Anh. Tuy nhiên, do tổng thương mại của Việt Nam và Anh chỉ khoảng 3,2%, nên tác động cũng không quá lớn đến VND.

M.H (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem