Sự sỉ nhục

Thứ tư, ngày 25/12/2013 13:24 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn từng làm nóng dư luận khi cho rằng sự cố Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Vietnam” thành “Vietnem” là một sự “sỉ nhục”, là một “sự phản cảm lớn”.
Bình luận 0
Đó là sự sai sót của Ban tổ chức trong đêm chung kết Hoa hậu Quý bà thế giới 2013 (diễn ra tại Trung Quốc).

Còn các cô hoa hậu thì “không phải chỉ dốt sử Việt mà còn dốt nhiều thứ khác”.

Và hôm qua, trong một bài trả lời phỏng vấn, được dẫn lại trên báo chí nước ngoài, Thứ trưởng Sơn phản bác đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc khi tiếp tục khẳng định: “Tôi cũng như hàng nghìn người dân đã có ý kiến coi đó là sự sỉ nhục thì đâu có quá đáng, sai sót này không còn trong khuôn khổ phường xã mà che giấu được, nó mang tầm cỡ quốc tế...”.

Cái băng ghi tên quốc hiệu nói là sỉ nhục cũng phải, bảo là sơ suất “không nên nâng tầm quan trọng hóa” cũng chẳng sai. Còn những điều đau buồn, những sự sỉ nhục cần được thứ trưởng, và cả nhà sử học quan tâm hơn nhiều, so với độ ngắn dài trong kiến thức lịch sử và cả ý thức của các chân dài.

Trong 24 giờ qua, bức ảnh của báo Tuổi Trẻ chụp 3 người phụ nữ đầu trọc lóc, bận đồng phục một bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc và khuôn mặt vô hồn đang khiến dư luận rơi nước mắt.

Ai có thể tưởng tượng được rằng đó là những cô dâu từng bận áo cưới lấy chồng Trung Quốc. Ai có thể nghĩ người có khuôn mặt vô hồn và mái đầu nham nhở kia lại là một cô gái mới chỉ hơn 20 tuổi được “nhặt” vào trại khi không một mảnh vải che thân đi lang thang ngoài đường.

Những cô dâu Việt ở Bắc Giang, ở Hải Phòng ấy từng hy vọng một cuộc đổi đời, một gia đình, một mái ấm. Và sau đó, mỗi người một hoàn cảnh, bị đánh đập, bị quẳng ra ngoài đường như một miếng giẻ rách, để cái đích cuối cùng là một bệnh viện tâm thần Trung Quốc. Không một thứ giấy tờ tùy thân. Không một chút gì còn lại trong ký ức. Không một dòng địa chỉ. Và cả một tương lai mờ mịt.

Cũng trong thời gian ấy, những cô dâu tiềm năng được quảng bá ở Trung Quốc như một món hàng “ưa nhìn, cần cù chăm chỉ, không đòi hỏi nhà lầu, xe hơi...” với một chi phí khá rẻ, và thậm chí “được bảo hành trong một năm”.

Khi nói đến tốt, đến giá rẻ, đến cả việc bảo hành thì dường như đó là lúc người ta mô tả một món hàng.

Đã bao giờ chúng ta coi đó là một sự sỉ nhục? Chúng ta đã làm được điều gì đó để ngăn con đường các cô gái ngây thơ đến bệnh viện tâm thần, hoặc tệ hơn, đến thẳng nhà xác?

Cô dâu khốn khổ sau cả năm điều trị tâm thần chỉ nói được hai tiếng “Việt Nam”.

Việt Nam chứ không phải là Vietnem. Nhưng trong hai tiếng đó, có sự đau lòng, niềm hổ thẹn và cả cảm giác bị sỉ nhục của những người là đồng bào của họ.

Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem