Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trao đổi với Báo Dân Việt ngày 31/3, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, báo cáo của Bộ Công Thương nhận định nông dân trồng lúa lãi 100% mới nhìn ở một khía cạnh chứ không phải là phổ biến. Bởi thực tế làm lúa không hề dễ mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 4 vấn đề chính là sản xuất trong điều kiện thế nào, giống gì, áp dụng quy trình ra sao và khách hàng là ai?
"Nếu như nông dân trồng lúa hữu cơ, bán cho đúng đối tượng khách hàng thì rất có lãi. Tôi cho rằng lãi 100% là hoàn toàn có thể, nhưng trong điều kiện trước đó nông dân đã mất nhiều năm chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ và đạt được chứng nhận hữu cơ. Nói như vậy để thấy trồng lúa hữu cơ không dễ. Ở đây, người ta mới đánh giá ở một khía cạnh, chưa đầy đủ về sản xuất lúa đại trà" - ông Thanh nói.
Ông Lê Quốc Thanh cho biết, đối với các mô hình khuyến nông trong sản xuất lúa triển khai thời gian qua, không phải là mô hình nhỏ mà thường có quy mô vài chục ha, chủ yếu tập trung vào các giải pháp giúp nông dân tiết giảm chi phí.
Đơn cử, các mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, canh tác lúa thông minh... đã và đang giúp nông dân giảm khoảng 10% chi phí phân bón; cộng với bà con sản xuất theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn thì may ra, giá bán lúa tăng thêm 5-10%. Đó chính là lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình sản xuất lúa.
Theo ông Lê Quốc Thanh, hiện nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa ở nhiều địa phương nhằm tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân giảm lượng giống lúa, giảm phân bón, giảm chi phí thuốc trừ sâu bệnh...; áp dụng các biện pháp cơ giới hoá để giúp giảm chi phí nhân công, giảm thất thoát sau thu hoạch. Tổng hoà các giải pháp đó sẽ giúp người trồng lúa giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.
"Việc chuyển đổi sản xuất là cả một quá trình, khuyến nông không tiếp cận một điển hình nào đó xuất sắc vì rất khó áp dụng ra đại trà, mà hướng tới những mô hình có khả năng nhân rộng, mang tính thực tiễn cao. Ví dụ, muốn làm lúa hữu cơ phải mất thời gian chuyển đổi, ít nhất cũng phải mất 3 năm để cho đất nghỉ, thanh lọc hết các chất hoá học tồn dư trong đất, nhằm đạt tiêu chí hữu cơ. Còn với các vùng có lợi thế, vùng sinh thái có thể sản xuất lúa đặc sản thì Khuyến nông vẫn tìm các giải pháp nhằm nâng cao giá trị tuyệt đối của sản phẩm có lợi thế" - ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Thanh, với những vùng sản xuất lớn như ĐBSCL, để giúp nông dân trồng lúa tăng thu nhập thì cần hướng tới các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chí VietGAP, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì bày tỏ mong muốn nông dân trồng lúa có lãi khoảng 47% là tốt rồi. Sắp tới, chúng tôi vận động triển khai nhiều mô hình giảm thất thoát sau thu hoạch, giúp nông dân có thu nhập tăng thêm nữa.
Ông Hoàng Trọng Thuỷ - chuyên gia nông nghiệp chia sẻ với PV Dân Việt: Theo dõi thông tin vụ vừa qua giá lúa tăng cao là có thật, nhưng vẫn khó có lãi 100%. Có lẽ báo cáo chưa tính đến hết các chi phí đầu vào trong sản xuất, như lãi vay vốn ngân hàng, thuê đất làm ruộng, nhất là trong bối cảnh hầu hết các khoản đầu vào đều tăng cao thời gian qua từ phân bón tới nhân công...
Thậm chí nếu nông dân mua phân bón trả chậm, dù giá phân bón đã được thoả thuận nhưng thực chất lãi của nhà cung ứng phân bón đã nằm trong giá. Những năm qua, trồng lúa đem lại lợi nhuận thấp nên có một thực tế là ngày càng nhiều hộ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đào ao nuôi tôm, cá tra...
"Những hộ trồng lúa bình thường, lãi 25 - 35% đã là quý rồi. Hiện giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL vào khoảng 4.800 - 5.200 đồng/kg, với giá lúa bình quân hiện nay khoảng 6.200 đồng/kg thì sao có thể đạt mức lãi 100%?" - ông Thuỷ nêu.
Theo ông Thuỷ, muốn trồng lúa có lợi nhuận cao thì phải tìm cách giảm chi phí đầu vào từ việc sử dụng giống, phân bón, nâng cao chất lượng hạt gạo, cải thiện toàn bộ chuỗi giá trị. Còn để đạt tỷ suất lợi nhuận cao thì phải đi theo hướng trồng lúa đặc sản, trồng lúa làm thực phẩm chức năng, lúa dược liệu...
"Các bộ ngành cần xem lại cách tính giá thành trồng lúa, theo hướng toàn diện hơn, sát hơn để thấy được bức tranh tổng thể của một ngành hàng" - ông Thuỷ chỉ rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.