Liên kết chuỗi giá trị giúp nông dân tăng vị thế đàm phán, cạnh tranh

Hùng Phiên Thứ sáu, ngày 31/03/2023 06:24 AM (GMT+7)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân tăng khả năng tiếp cận với công nghệ và quy trình sản xuất, tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh.
Bình luận 0

Ngày 30/3, Sở NNPTNT Phú Yên tổ chức tập huấn tổng quan các chính sách về liên kết về sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị năm 2023.

Liên kết chuỗi giá trị giúp nông dân tăng vị thế đàm phán, cạnh tranh - Ảnh 1.

Sản phẩm Gạo thơm hoa vàng của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An, Phú Yên). Ảnh: CTV

Tại hội nghị, bà Đặng Thị Thủy - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, sản xuất nông nghiệp gắn theo chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp.

Sự phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Chính sách về hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được quy định tại Nghị định số 98/2018 của Chính phủ.

Tại Phú Yên, việc thực thi các nhiệm vụ về liên kết nông sản đang đạt mức rất thấp. Trong đó, một số liên kết trong lĩnh vực trồng trọt (mía, lúa), lâm nghiệp (keo lai) đã được hình thành từ lâu nhưng vẫn chưa bền vững; liên kết có lúc chưa chặt chẽ và thủ tục liên kết chưa đúng theo quy định.

Trong khi đó, từ năm 2018 đến nay, cả nước có hơn 2.038 chuỗi liên kết được hình thành phê duyệt theo quy định, với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp.

Liên kết chuỗi giá trị giúp nông dân tăng vị thế đàm phán, cạnh tranh - Ảnh 2.

Sơ chế sản phẩm cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Cũng theo bà Đặng Thị Thủy, Phú Yên hiện có 135 hợp tác xã nông nghiệp và 20 doanh nghiệp nông lâm thủy sản. Thế nhưng chưa có dự án liên kết chuỗi giá trị nào thực thi theo Nghị định số 98/2018 của Chính phủ.

Vì vậy, Phú Yên đang rất khó để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ liên kết nông lâm thủy sản là 35% theo chỉ tiêu đề ra tại các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh. Quan trọng hơn nữa là sản xuất, tiêu thụ nông sản của người nông dân đang thiếu ổn định, giá trị và thu nhập chưa cao.

Bà Thủy hy vọng, việc tập huấn trao đổi kinh nghiệm sẽ giải quyết được các vướng mắc, triển khai hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương. Đặc biệt, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân địa phương tăng khả năng tiếp cận với công nghệ và quy trình sản xuất, tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem