Sự thật về bác sĩ Trung Quốc ở phòng khám Maria

Thứ năm, ngày 19/07/2012 13:21 PM (GMT+7)
Dân Việt - Theo các chuyên gia y tế, hai ngành mà các "giúp việc bác sĩ" Trung Quốc tại phòng khám (PK) Maria đã học, không liên quan gì đến chuyên ngành phụ sản hay ngành khác.
Bình luận 0

Theo bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hai bác sĩ Trung Quốc ở PK Maria thực ra là hai “giúp việc bác sĩ”. Hai người này chỉ có trình độ Cao đẳng.

Còn theo tài liệu mà bà Trần Nhị Hà - Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội ) cung cấp, hai “giúp việc” đó có chứng nhận trình độ Bác sĩ. Tuy nhiên, “giúp việc” Lei Hong (Lôi Hồng - tên Việt Nam) tốt nghiệp 5 năm hệ chính quy chuyên ngành Y học lâm sàng khoa Y của Viện Y học Cát Lâm.

img
Hồ sơ trích ngang trình độ của “giúp việc” Hoàng Đỉnh Lập

Còn “giúp việc” Huang DinhLi (Hoàng Đỉnh Lập) chỉ học 3 năm rưỡi Đại học ban đêm chuyên ngành điều trị lâm sàng tại Đại học Y khoa Thiên Tân. Như vậy, cũng không thể khẳng định “giúp việc” Hoàng Đỉnh Lập đã có chứng chỉ “bác sĩ” hay chưa. Cũng theo các chuyên gia y tế, hai ngành mà các giúp việc bác sĩ Trung Quốc đã học, chả liên quan gì đến chuyên ngành phụ sản.

Theo đơn kiện cuối tháng 6 của chị Đ.T.K.Q (Hà Nội), chính bác sĩ Lôi Hồng này đã khám và chẩn đoán chị bị sùi mào gà, có dấu hiệu ung thư và “đè” chị ra điều trị 4 ngày hết hơn 24 triệu đồng, trong khi thực tế, chị Q. không có bệnh gì.

img
Phòng khám Maria

Thậm chí, các y tá, nhân viên tiếp bệnh nhân cũng rất “nhiệt tình” trong quá trình tham gia khám chữa bệnh như tư vấn về bệnh tình cho bệnh nhân, “dọa” bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng, đến đường sinh nở sau này và chèo kéo bệnh nhân đến điều trị.

Rất nhiều bệnh nhân muốn mua thuốc mang về nhà điều trị nhưng phòng khám đều yêu cầu bệnh nhân phải đến PK để điều trị tại chỗ. Quá trình này, bệnh nhân sẽ bị “làm tiền” đủ kiểu khi sa vào “ma trận” của các BS và nhân viên nơi đây.

Theo bà Liên: “Các bệnh nhân khi đi khám bệnh phải tự biết lựa chọn cơ sở điều trị hiệu quả, nghiêm túc, để tránh bị lừa”. Như vậy, người bệnh tự chịu trách nhiệm về việc mình bị lừa và bị “vặt tiền” một cách oan ức mà vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Bà Liên cũng cho biết thêm, nếu phát hiện sai phạm thì mới xử phạt được, còn lúc kiểm tra không có bác sĩ Trung Quốc thì cũng không thể cấm.

Chị Nguyễn Hoàng L. (26 tuổi, nhân viên văn phòng, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Mình bị bệnh thì cần chữa, nghe quảng cáo hay, tốt thì đến. PK Maria quảng cáo về bác sĩ Trung Quốc ra rả trên đài, trên ti vi, phát tờ rơi… khó có thể nói Sở Y tế lại không hề hay biết có bác sĩ Trung Quốc hành nghề tại PK.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem