Sự thật về người con nuôi văn võ song toàn của Quan Vũ
Sự thật về người con nuôi văn võ song toàn của Quan Vũ
Thứ bảy, ngày 11/07/2020 08:31 AM (GMT+7)
Quan Vũ (sinh ? - mất 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á. Quan Vũ là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.
Đối với những người yêu thích và tìm hiểu về tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, hẳn Quan Vũ đã trở thành cái tên không thể phai mờ dần theo thời gian. Tới mức chỉ cần nhắc tới ông, là nhiều người có thể kể vanh vách những chiến công hiển hách vị tướng này từng đạt được như: Góp phần tiêu diệt khởi nghĩa Khăn Vàng, chém Hoa Hùng, đại tướng của Đổng Trác, chém Nhan Lương, Văn Xú, 2 tướng tài của Viên Thiệu, vượt 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo…
Trong cốt truyện Tam quốc diễn nghĩa tác giả La Quán Trung mô tả nhân vật Quan Vũ có một người con nuôi tên là Quan Bình. Quan Bình sinh vào khoảng năm 182, là người Hà Bắc, cha là Quan Định, một người dân thường. Năm 200, nhân vật Quan Vũ sau khi qua 5 ải, chém 6 tướng đến Hà Bắc tìm Lưu Bị thì ghé qua nhà Quan Định. Quan Định bèn xin Quan Vũ nhận Quan Bình theo. Quan Vũ lúc này chưa có con nên nhận Quan Bình làm con nuôi.
Năm 211, Lưu Bị nhận lời Lưu Chương vào Tây Xuyên để giúp Lưu Chương chống lại Trương Lỗ. Lưu Bị đem 5 vạn quân và một số tướng vào Tây Xuyên trong đó có Quan Bình. Tuy nhiên sau đó Lưu Bị và Lưu Chương có mâu thuẫn nên xảy ra chiến tranh giữa 2 người. Năm 213, Bàng Thống là quân sư của Lưu Bị bị tướng Trương Nhiệm bắn chết, Lưu Bị bảo Quan Bình đem thư cầu cứu về Kinh Châu giao cho Khổng Minh. Khổng Minh nhận được thư, bèn dẫn Trương Phi, Triệu Vân vào Tây Xuyên, giao Kinh Châu lại cho Quan Vũ và Quan Bình.
Quan Vũ nhận xét thấy người con này sở hữu tài trí vẹn toàn, Quan Vũ đã quyết định để Quan Bình thành vai vế con trai trưởng trong nhà. Ngôi thứ kế tiếp mới là Quan Hưng và Quan Ngân Bình - hai người con ruột của ông. Xét về võ lực, Quan Bình và Quan Hưng từ rất sớm đã được Quan Vũ rèn luyện đao pháp, truyền thụ binh pháp được đúc kết kinh nghiệm từ chính cuộc đời chinh chiến của ông.
Sau này, chính Quan Vũ cũng phải công nhận rằng: "Người đời vốn ví ta là Thanh Long (Rồng xanh), giờ đây có trong tay Bình và Hưng, Thanh Long ta như có thêm cặp mãnh hổ đi theo trợ lực, xông pha chiến trường ắt bách chiến bách thắng...". Qua lời nhận xét này đủ để thấy Quan Bình và Quan Hưng được phụ thân Quan Vũ rất coi trọng.
Tuy nhiên, theo sử liệu, Quan Bình là con trai trưởng của Quan Vũ và là anh trai của Quan Hưng, ông sinh năm nào chưa rõ.
Năm 219, Quan Bình theo Quan Vũ tấn công Phàn Thành của Tào Ngụy do Tào Nhân trấn thủ. Quan Vũ và Quan Bình tiêu diệt quân cứu viện của quân Ngụy do Vu Cấm, Bàng Đức chỉ huy kéo đến Phàn Thành. Tuy nhiên sau đó quân Ngô đánh úp Kinh Châu, Từ Hoảng kéo quân đến giải vây Phàn Thành đánh bại cha con Quan Bình. Hai cha con mang quân rút về Kinh Châu, tuy nhiên Kinh Châu đã mất nên đến ở tạm Mạch Thành (nay thuộc Hồ Bắc). Sau đó Quan Vũ và Quan Bình bị quân Ngô bắt chém ở Lâm Thư (thuộc Hồ Nam).
Sau khi mất, Quan Vũ được người Trung Quốc xem như 1 vị thần do đó rất nhiều nơi lập đền thờ ông và treo tranh thờ ông trong gia đình. Trong các bức tranh thờ Quan Vũ theo tín ngưỡng của người Trung Hoa thì có Quan Bình đứng hầu bên phải và Châu Thương đứng hầu bên trái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.