Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Năng suất lúa thấp, không như những lời giới thiệu (Bài 2)
Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Năng suất lúa thấp, không như những lời giới thiệu (Bài 2)
Trần Quang - Nguyễn Chương
Thứ ba, ngày 07/05/2024 09:29 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở Yên Khánh (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định) cấy lúa "tiến vua" bằng phương pháp mới với hứa hẹn cho năng suất vượt trội, sản phẩm giá cao, được bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, người dân đã thất vọng vì năng suất lúa thấp và rất khó tiêu thụ. không như những lời giới thiệu trước đó.
Nông dân chán nản vì giống lúa tiến vua năng suất không như kỳ vọng, sản phẩm khó tiêu thụ.
Vẫn phải dùng thuốc, điện để diệt, bẫy chuột vì chuột... không sợ "thầy"
Cuối tháng 3/2024, gặp phóng viên trên cánh đồng của xã Khánh Trung, ông Vũ Văn Hoàng (68 tuổi) ở thôn 3 xã Khánh Trung cho biết, 3 năm cấy, gieo sạ giống lúa mới, mỗi năm 2 vụ, hai cậu cháu chúng tôi đều phải dùng thuốc hóa học phun diệt ốc bươu vàng và dùng thuốc ngửi (thuốc có nhãn hiệu Trung Quốc) và giăng bẫy điện để diệt chuột nhưng vẫn bị chuột phá phách liên tục.
Thấy chúng tôi thắc mắc về các loại thuốc trừ sâu, chuột, ông Hoàng dừng vãi đạm cho lúa để lên bờ nhặt các bao gói thuốc trừ ốc, diệt chuột nhằm minh chứng cho những lời mình vừa nói là sự thật. Đi dọc bờ ruộng của gia đình ông lên tới thùng đựng rác vỏ bao thuốc BVTV khoảng hơn 100m2, chúng tôi thấy vương vãi rất nhiều vỏ thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột có chữ Trung Quốc.
Ruộng lúa của gia đình ông Hoàng nằm ngay gần đường liên thôn, trên bờ ruộng có gắn 2 biển chỉ dẫn "Vùng lúa chất lượng cao", "Cánh đồng lúa thân thiện với môi trường" còn khá mới. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Hoàng khẳng định: Các vụ lúa trong năm, chúng tôi vừa phải dùng thuốc Trung Quốc mua ở hiệu thuốc trên địa bàn xã về trộn với thóc đánh trên bờ hoặc bỏ thuốc vào các lỗ chuột xong nhét bùn bịt lại, đồng thời vừa kết hợp giăng bẫy điện để diệt chuột.
Những ngày chuột phá nhiều, hai cậu cháu còn phải giăng điện từ chập tối đến khoảng 20 giờ 30 tối hôm trước đến 4 giờ 30 phút sáng hôm sau, lại phải ra ruộng trực bẫy, vừa để diệt chuột vừa để trông coi không có người đến gần, tránh gặp nguy hiểm.
Theo ông Hoàng, dù người dân Khánh Trung đã dùng đủ mọi cách để diệt chuột, ốc bươu vàng nhưng lúa vẫn bị cắn phá la liệt. "Nhất là trong giai đoạn lúa bén chân, đẻ nhánh, ốc, bươu và chuột phá mạnh, chúng tôi không có cách gì phòng, trừ được", ông Hoàng buồn bã chia sẻ.
Chia sẻ với Dân Việt, nhiều nông dân ở Yên Khánh (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định) trồng lúa theo phương pháp mới nhưng sau nhiều vụ sản xuất, bà con đều cảm thấy không hiệu quả. Đối chứng với các ruộng cấy giống lúa thường (lúa được công nhận), các ruộng cấy giống lúa tiến vua còn bị sâu bệnh, chuột phá nhiều hơn khiến năng suất giảm sâu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên bà con đã "quay lưng" với phương pháp sản xuất phi khoa học này để cấy giống lúa truyền thống của địa phương.
Không chỉ ở địa bàn tỉnh Ninh Bình, chúng tôi còn được biết, phương pháp chăm sóc lúa bằng cái gọi là "tâm linh" này, còn lan sang cả địa bàn tỉnh Nam Định. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Toan, trưởng thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết, khoảng tháng 7/2022, một người dân ở làng đưa giống lúa tiến vua về để cho bà con tại HTX Yên Phương cấy thử nghiệm.
"Thời điểm xuống cũng khá muộn so với kế hoạch sản xuất của địa phương nhưng mọi người nghe bảo giống lúa mới được thầy (thầy H. - PV) "hỗ trợ" để sản xuất theo hướng hữu cơ và không phải lo đầu ra nên bà con cũng làm theo. Thời điểm cấy lúa, một thanh niên ở làng đưa thầy dẫn mấy đệ tử về ra ruộng nói chuyện về những câu chuyện ma mị chưa được kiểm chứng như kiểu yểm bùa để làm sạch đất, sâu bệnh... Có thời điểm, người trong làng còn dẫn cả người nước ngoài về thăm mô hình lúa giống mới.
Tuy nhiên, việc sản xuất giống lúa mới cũng rất khó khăn, dù đã được "thầy" đến để "hỗ trợ", nhưng đến khoảng tháng 9/2022, do xuất hiện gió Lào (gió nóng) nên lúa bạc trắng hết bông, có ruộng bị lép trên 50%. Bà con ra thăm lúa ai cũng đau xót, dù báo cho thầy, các "đệ tử" về xử lý nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Đến khi thu hoạch, có ruộng chỉ đạt được 90kg/sào.
Đến 2 vụ tiếp theo của năm 2023, bà con sử dụng tiếp hạt giống cấy vụ 2022 để lại tiếp tục duy trì giống lúa "tiến vua" nhưng do sản xuất theo quy trình mới nên làm cỏ rất vất vả, tốn nhiều công sức.
Ngoài ra, chi phí đầu tư gồm công cày, làm cỏ, phân bón... lên đến gần 1,5 triệu đồng/sào nhưng lúa vẫn bị sâu bệnh, chuột cắn phá nhiều nên năng suất giảm khá sâu", ông Toan nhớ lại.
Lúa "tiến vua" nhưng chủ yếu dùng để làm... thức ăn chăn nuôi
Cũng theo ông Toan, dù chi phí sản xuất giống lúa "tiến vua" cao hơn lúa thường nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Như vụ mùa năm 2023, HTX Yên Phương cấy khoảng 7 mẫu lúa tiến vua, khi thu hoạch được khoảng gần chục tấn nhưng vẫn ế chỏng ế chơ đến giờ vẫn chất ở kho của đơn vị.
Một người làng tên C. (được cho là đệ tử của thầy H.) hứa hẹn sẽ đưa gạo "tiến vua" lên Hà Nội tiêu thụ nhưng chẳng những không tiến được vua mà còn ế phải đem về làm thức ăn chăn nuôi, đến giờ lúa vẫn chất đống ở kho rất nhiều. HTX đánh tiếng bán cho các thương lái nhưng họ không mua hoặc trả giá thấp nên mọi người rất chản nản.
Vụ xuân năm nay, chúng tôi bỏ cấy giống tiến vua chuyển sang cấy giống lúa cũ để dễ bán hơn", trưởng thôn Mỹ Lộc nói và cho biết, năm nay, HTX còn thuê thợ đánh chuột từ Hưng Yên về nên đã ngăn chặn loài gặm nhấm nguy hiểm này hoành hành.
Cùng trong tình trạng với HTX Yên Phương (Nam Định), nhiều người dân ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cũng đang bắt đầu ngán ngẩm với giống lúa tiến vua.
Phản ánh thêm với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan, trưởng thôn 13, xã Khánh Trung cho hay: Năm 2021, gia đình tôi được ông Phạm Ngọc Duân - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho giống lúa tiến vua để cấy thử nghiệm nhưng sau 2 vụ sản xuất thấy sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên bà đã chuyển sang cấy giống lúa truyền thống của địa phương.
"Không chỉ gia đình tôi mà cả gia đình Bí thư chi bộ thôn cũng cấy giống tiến vua nhưng cũng không bán được nên phải để ăn và chăn nuôi. Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi chuyển sang làm giống lúa cũ có kinh tế hơn", bà Lan khẳng định.
Ông Vũ Văn Hoàng, nông dân ở thôn 3, xã Khánh Trung cho biết, hiện nay việc tiêu thụ lúa, gạo tiến vua ở địa phương vẫn rất khó khăn, nhiều hộ thu hoạch lúa về nhưng khó bán, có hộ xay xát gạo tiến vua đưa lên Hà Nội bán cũng rất nhỏ giọt.
"Do làm giống lúa mới nên khi thu hoạch, bà con bí tiền muốn bán như lúa thường cũng rất khó. Một phần do giá bán cao nên khó tiêu thụ. Tuy vậy nếu bán gạo với giá gạo thường thì người sản xuất lại bị thua thiệt nhiều, ông Hoàng khẳng định.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT nói gì về giống "lúa lạ" và phương pháp canh tác mới?
Trao đổi với Dân Việt về nguồn gốc giống lúa tiến vua đang được sản xuất ở Yên Khánh, ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho hay: Mô hình canh tác này và giống này cần được công nhận giống được phép sản xuất kinh doanh mới được sản xuất. Tuy nhiên, không biết địa phương lấy nguồn giống từ đâu đưa về sản xuất.
"Hiện nay, địa phương này đang nhờ Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia để tiến hành các bước thí nghiệm theo quy định của nhà nước và áp dụng quy trình nhất định theo các vụ thì mới được công nhận giống mới thì mới được sản xuất", ông Khiêm nói thêm.
Phóng viên hỏi thêm: 3 xã của huyện Yên Khánh gồm Khánh Nhạc, Khánh Cường, Khánh Trung đã cho sản xuất giống "lúa lạ" có tên tiến vua từ năm 2021 đến nay, Sở NNPTNT có nắm được thông tin và có biện pháp, khuyến cáo huyện Yên Khánh trong việc sản xuất giống lúa chưa được công nhận không? Phương pháp tâm linh mà bà con đang áp dụng, Sở có khuyến cáo gì không?
Ông Khiêm trả lời: Do họ tự làm. "Cái này như một đề tài khoa học phải là cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT về làm trực tiếp đánh giá, thông qua các cơ quan chuyên môn của tỉnh theo dõi mới làm được" ông Khiêm lý giải thêm.
Phóng viên hỏi tiếp: Giống lúa lạ có tên tiến vua đang được sản xuất ở huyện Yên Khánh có phải giống bản địa không?
Ông Khiêm cho biết, ông không khẳng định được giống lúa này có phải giống bản địa hay không. Đơn cử như Ninh Bình có giống lúa nếp cau rất nổi tiếng, khi nói về giống này ai cũng biết có nguồn gốc từ Ninh Bình.
Phóng viên hỏi thêm: Nếu giống lúa mới chưa được công nhận và được các cơ quan chuyên môn cho phép sản xuất mà địa phương tự đưa vào sản xuất như ở huyện Yên Khánh có đúng quy định của nhà nước không?
Ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình từ chối trả lời.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 13/6/2023 Công ty TNHH Nông nghiệp và Thương mại Thiên Phú (Ninh Bình) đã ký hợp đồng số 287/HĐ-KNGQG-HCTH với Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia để tiến hành khảo nghiệm "DUS" giống cây trồng mới (loại cây trồng: lúa thuần; tên giống: Hạt ngọc thiên hương) tại Trạm khảo nghiệm giống cây trồng Văn Lâm (Hưng Yên) vụ mùa 2023 – mùa 2024 theo bản đăng ký khảo nghiệm của đơn vị này.
Chia sẻ về kết quả khảo nghiệm giống lúa hạt ngọc thiên hương tại Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: Giống lúa này khảo nghiệm không đạt yêu cầu. Khi giống không đạt yêu cầu trong khảo nghiệm, chưa được cấp quyết định lưu hành theo quy định, thì giống này không được phép sản xuất, buôn bán tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.