Nhưng dẫu sao, ô tô, máy bay, điện thoại... là những thứ dễ nhận thấy. Bởi trong chính ngành nông nghiệp, còn có rất nhiều loại hàng hóa nhập khẩu ít được chú ý khác. Còn nhớ trong lễ tổng kết ngành nông nghiệp vài hôm trước, trong khi các quan chức say sưa với kỷ lục xuất khẩu thì Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, GS Nguyễn Văn Bộ lại đặt câu hỏi: “Chúng ta có cần thiết phải đặt mục tiêu chạy theo xuất khẩu 7- 8 triệu tấn gạo mỗi năm?".
Và sau đó cũng tự ông phân ưu: Để sản xuất ra được lượng lương thực như hiện nay, trung bình mỗi năm chúng ta sử dụng đến 7 triệu tấn phân bón, tức mất 4 tỷ USD, cùng 60.000-70.000 tấn thuốc BVTV với giá trị 2 tỷ USD nữa, mà 2 loại vật tư này chủ yếu phải nhập khẩu...
Nhưng không phải chỉ phân bón. Cũng không chỉ thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đang nhập ngô, nhập đậu tương, nhập bột cá... Kim ngạch nhập khẩu loại mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu lên tới 2,3 tỷ USD.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định Trần Xuân Định từng than vãn: Với diện tích trồng đậu tương hiện nay của Nam Định là 10.000ha, năng suất 15 tạ/ha, sau khi trừ mọi chi phí, người nông dân chỉ lãi 300.000 đồng/1 sào Bắc Bộ. Và dù tỉnh có chính sách hỗ trợ 50% giá máy làm đất, máy gieo hạt đậu tương, 100% tiền mua giống gốc nhưng cũng không hấp dẫn được người trồng. Câu chuyện sau đó vỡ lẽ ngay: 300 nghìn cho mỗi sào tính ra chỉ bằng 3 ngày lao động cho công việc giản đơn.
Chuyện nhập ngô, nhập đậu tương, có thể là do sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Có thể là do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu khiến nông sản trong nước cao giá, không thể cạnh tranh trên chính sân nhà. Nhưng lý do nào cũng đều không thể chấp nhận với một quốc gia thuần nông như Việt Nam.
Để đạt đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 25 tỷ USD, chúng ta đã phải bỏ ra 15,9 tỷ USD nhập vật tư nông, lâm, thủy sản, vật tư sản xuất nông nghiệp. Và con số hoa mắt đó đang che lấp một thực tế là các loại hàng hóa nông sản đang bị đè chết trên chính sân nhà, vì không thể cạnh tranh, vì chính sách nhập khẩu.
Con số 25 tỷ USD, kỷ lục xuất khẩu của nông nghiệp, vì vậy, đáng được nhìn nhận thận trọng, vì đây không đơn giản là "sự trả giá ngọt ngào". Bởi cái giá phải đánh đổi của việc nhập thượng vàng hạ cám là vấn đề chất lượng của một nền "nông nghiệp gia công".
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.