Có quá nhiều học sinh nhận điểm 0. Cao nhất cũng không vượt qua 8 điểm, đa số là dưới điểm 3. Đây cũng không phải là năm đầu tiên, kết quả điểm thi đại học môn lịch sử đã gióng còi báo động một lỗ hổng quá lớn về kiến thức lịch sử của học sinh ngày nay.
Thật khó có thể chấp nhận được với kiến thức của một học sinh tốt nghiệp THPT mà lại viết trong bài làm của mình rằng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo nên chiến dịch ấy mới mang tên Bác! Đây không chỉ là sai cơ bản về kiến thức mà còn là sự vô tâm của một bộ phận học sinh về lịch sử của cha ông mình, dân tộc mình...
Vậy thì lý giải câu chuyện dạy và học môn lịch sử như thế nào đây để dẫn đến một kết quả quá thê thảm như vậy? Trước hết là cách soạn sách giáo khoa về môn sử bây giờ quá cứng nhắc, không thật sự hấp dẫn học trò, người truyền đạt những kiến thức về lịch sử lại quá máy móc.
Những ai từng học sử trước đây (những năm 60 của thế kỷ trước), hẳn đều nhớ những câu này, như là một slogan của mỗi bài học về lịch sử: "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc-Trần Bình Trọng", "Ngồi đan sọt mà lo việc nước-Phạm Ngũ Lão"… Chỉ cần đọc qua tựa đề ấy thôi, máu trong người đã thấy nóng lên rồi. Những tựa đề ấy đã từng theo người học đến hết cuộc đời họ.
Dạy sử (hay dạy văn) không chỉ là truyền đạt những kiến thức cho các em mà cái chính là phải gieo vào lòng học sinh niềm say mê về môn học ấy. Vì khi các em đã say mê rồi thì không cần bắt buộc, các em vẫn cứ nhớ, cứ thuộc. Dân tộc nào cũng có lịch sử của mình. Lòng yêu nước của mỗi công dân chỉ có thể được thắp sáng lên một khi họ hiểu tường tận về lịch sử của cha ông mình.
Một người được gọi là trí thức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên không thể không gọi đúng tên một nhân vật lịch sử của dân tộc mình. Học sinh ngày nay có thể chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học nhưng như một sự ràng buộc tự thân, họ không có quyền quên lịch sử cha ông. Bởi vì đừng nói đến khái niệm yêu nước thương dân khi ta quay lưng lại với lịch sử của dân tộc mình.
Trần Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.