Sửa đáp án môn sử khối C: Thí sinh vẫn thiệt thòi

Thứ ba, ngày 17/07/2012 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 15.7, Bộ GDĐT thông báo điều chỉnh đáp án môn sử khối C - đợt thi ĐH-CĐ năm 2012. Tuy nhiên, dù chấm theo đáp án mới, thí sinh (TS) vẫn bị thiệt thòi và không thể có điểm cao.
Bình luận 0

Đề và đáp án “vênh” nhau

Là giáo viên giỏi môn sử từng có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn sử, Nhà giáo Ưu tú Đào Ngọc Đình – giáo viên Trường THPT Chuyên Hưng Yên nhận định:

“Trong đáp án của Bộ GDĐT rất nhiều chỗ “có vấn đề”, kể cả câu 4a vừa được điều chỉnh vẫn chưa thoả mãn. Nếu chấm theo đáp án này, nhiều TS sẽ thiệt thòi, nhất là TS học giỏi sử, có tư duy tốt”.

img
Việc đáp án không chuẩn có thể khiến thí sinh chịu thiệt thòi.

Riêng ở câu 4a yêu cầu “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh lạnh”, theo thầy Đình, lẽ ra phải có điểm cho ý về “bối cảnh lịch sử nào khiến Nhật đưa ra chính sách đối ngoại như vậy và ảnh hưởng của nó đối với Nhật Bản” thì mới hoàn chỉnh.

Đáp án mới đưa ra được nội dung và chỉ có lợi cho TS chăm chăm học thuộc theo sách giáo khoa, còn đối với TS nhận thức được vấn đề “có đầu có cuối” thì rất thiệt thòi. “Nó không xứng tầm với một đáp án thi ĐH” - thầy Đình khẳng định.

Thầy Đình phân tích thêm, ở câu 1 về “cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?”, lẽ ra phần trả lời về sự “tác động đến nền kinh tế…” phải là trọng tâm và cần được điểm cao thì đáp án lại chỉ chú trọng nêu nội dung của cuộc khai thác thuộc địa. Còn ở câu 2 lại chưa chuẩn về câu chữ.

Đề viết: “Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào?...”, theo thầy Đình thì dùng từ “thời kỳ” ở đây là chưa đúng. “Theo chuẩn sách giáo khoa thì phải gọi là giai đoạn lịch sử thì mới tương ứng với đáp án của Bộ.

“Thời kỳ” và “giai đoạn” là 2 thuật ngữ hoàn toàn khác nhau. Khi ra đáp án phải đối chiếu với sách giáo khoa, lấy sách giáo khoa làm chuẩn kể cả nó sai. Sách giáo khoa sai thì Bộ phải sửa sách chứ không phải sửa trên đáp án” - thầy Đình nói.

Đặc biệt hơn là ở Câu 3 “Cuối tháng 3.1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam?...”, Nhà giáo Ưu tú Đào Ngọc Đình phân tích: “Câu hỏi đưa ra mốc lịch sử cụ thể là cuối tháng 3.1975, nhưng đáp án lại đòi hỏi TS nêu từ tháng 10.1974. Như vậy, TS sẽ không biết phải xác định như thế nào”.

Đáp án sử không nên “đóng”

Hôm qua, nhiều giáo viên dạy sử tâm huyết với nghề cho biết đã rất “bối rối” vì nhận được khá nhiều câu hỏi từ học trò của mình sau khi xem được đáp án của Bộ GDĐT.

Cô Nguyễn Thị Hợi – giáo viên sử tại TP.Thái Bình cho biết: “Nhiều học sinh gọi điện cho tôi thắc mắc: Cô ơi, em làm đúng như cô dạy mà chiếu đáp án lại vừa thừa vừa thiếu thì có được tính điểm. Tôi chẳng biết giải thích thế nào?”.

“Nguyên tắc của đề thi môn lịch sử là phải đảm bảo được tính tường minh, rõ ràng và chỉ có một đáp án. Một câu hỏi lịch sử mà có thể hiểu được ở nhiều góc độ khác nhau là chưa hợp lý”.

Theo thầy Đình, những người làm đề thi đã chưa đứng trên quan điểm và kiến thức của học sinh, cách dạy của giáo viên lớp 12 để ra đề. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm nay điểm thi ĐH môn sử luôn thấp.

PGS-TS Đặng Thanh Toán - giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Để có một đề lịch sử hay, không mang tính chất bắt TS trả bài cũ, làm bài bằng những kiến thức học thuộc lòng thì đáp án nên có hướng mở để đảm bảo lợi ích cho TS”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem