Sửa luật để giảm khiếu kiện, chống lợi ích nhóm

Thứ hai, ngày 17/06/2013 15:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước thời điểm Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đã có những chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội.
Bình luận 0

Hôm nay (17.6), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường. Cũng theo kế hoạch dự kiến, ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 5 (21.6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này. Trước thời điểm quan trọng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đã có những chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội.

Thưa Bộ trưởng, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội lần này có những điều chỉnh đáng kể gì so với luật cũ năm 2003?

- Lần này, Chính phủ chỉ hướng dẫn thi hành những điều mà trong luật giao, chứ không phải hướng dẫn tất cả các vấn đề của luật. Dự án luật mới có điều chỉnh khá nhiều, trong đó nhiều vấn đề sẽ được thể hiện cụ thể trong các nghị định. Sắp tới, chúng ta sẽ có 5 nghị định được ban hành để hướng dẫn thực hiện luật này. Hiện Chính phủ đang chuẩn bị các nghị định này.

img
Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết sự tuỳ tiện trong việc thu hồi đất.

Thưa Bộ trưởng, người dân rất quan tâm tới các quy định về thu hồi đất đai?

- Luật lần này quy định rất rõ những dự án bị thu hồi liên quan tới mục đích kinh tế - xã hội, ví dụ như các dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, một số dự án sử dụng vốn ODA... Còn các dự án phát triển kinh tế khác thì luật sẽ quy định các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, tham gia đấu giá đất hoặc thỏa thuận trực tiếp với chủ sử dụng đất. Luật quy định rất cụ thể vấn đề này, có cả các tiêu chí. Nhưng dù dự án loại nào thì cũng phải làm chặt chẽ vì trước đây, chúng ta "buông" tương đối nhiều. Dự luật lần này sẽ cơ bản khắc phục những tồn tại của luật cũ.

Cơ chế thỏa thuận đang đặt ra nhiều vấn đề. Đã có lúc chúng ta không sử dụng cơ chế này, giờ lại áp dụng lại. Theo đánh giá của ông, tác dụng của việc này ra sao?

- Nói chung, nếu áp cơ chế thỏa thuận khi thu hồi đất thì phía kêu ca, thiệt thòi là doanh nghiệp, người muốn thu hồi đất vì thực hiện được cơ chế này rất khó khăn. Còn ở đây, rõ ràng người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Các tổ chức nước ngoài khuyến cáo nhiều về chữ "thu hồi", cho rằng với những loại dự án phục vụ mục đích kinh tế - xã hội thì chữ "thu hồi" tạo cảm giác không bình đẳng giữa Nhà nước và người dân?

- Nhà nước thu hồi đất liên quan để phục vụ các dự án liên quan đến lợi ích công cộng, quốc gia, an ninh quốc phòng… Quy định như vậy là phù hợp. Còn nếu trưng thu, trưng mua thì chỉ nên áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết vì lý do an ninh quốc phòng của đất nước.

"Nếu áp cơ chế thỏa thuận khi thu hồi đất thì phía kêu ca, thiệt thòi là doanh nghiệp, người muốn thu hồi đất vì thực hiện được cơ chế này rất khó khăn. Còn ở đây, rõ ràng người dân được hưởng lợi nhiều hơn".

Lần này, vấn đề giá đền bù sẽ được giải quyết như thế nào khi người dân bị thu hồi đất?

- Cơ bản là giá đền bù phải phù hợp với thị trường, khung giá, bảng giá đất đều có tính đến yếu tố này. Giá thị trường ở đây được hiểu là trong điều kiện ổn định, bình thường, loại bỏ yếu tố đầu cơ. Chúng ta sẽ có tổ chức tư vấn định giá độc lập và trên cơ sở mức giá tư vấn này, UBND các địa phương sẽ quyết định mức giá phù hợp.

Thế nhưng thực tế là khung bảng giá và giá thị trường quá xa vời, thưa Bộ trưởng?

- Thật ra thị trường vừa rồi không ổn định, do bị đầu cơ nên thị trường quá nóng, không phải là giá sát thực với nhu cầu. Sau bài học vừa rồi với thị trường bất động sản, các nhà đầu cơ sẽ thấy rằng không thể đầu cơ đất đai được nữa và hy vọng, giá thị trường sẽ sát với thực tế hơn.

Quy định về thu hồi đất trong luật liệu có vênh so với quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hay không?

- Theo tôi không vênh gì cả. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên thông qua Hiến pháp rồi mới thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Theo tôi, Quốc hội nên thông qua luôn tại kỳ họp này. Vì Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề chung nhất thôi, không đi vào cụ thể, mà những điều cụ thể do luật quy định. Hai vấn đề thu hồi và sở hữu là hai vấn đề lớn nhất thì không còn phải bàn nữa.

Hiện có những luồng ý kiến trái chiều nhau về việc giao khoán đất trong khi lấy ý kiến góp ý của người dân, đa phần đều muốn Nhà nước nới thời hạn giao khoán đất. Dự án luật lần này có sửa đổi vấn đề này không, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta phải khẳng định rằng, bây giờ nếu chia nhỏ đất đai ra sẽ loạn ngay. Hơn nữa, sau năm 2020, lao động nông nghiệp sẽ chỉ còn chiếm từ 30-35%. Khi ấy vấn đề giao đất nông nghiệp sẽ không còn là vấn đề quá nóng nữa.

Ông đã từng khẳng định, mấu chốt của việc sửa đổi luật lần này là tập trung là giảm khiếu kiện và chống lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai?

- Đúng vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết vấn đề thu hồi đất sao cho hợp lý, khắc phục sự tùy tiện và giải quyết vấn đề cấp sổ đỏ… Đây là những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Việc cấp sổ đỏ hiện đang khó khăn vì thiếu kinh phí, nhưng đúng là làm tốt việc cấp sổ đỏ sẽ quản lý được việc chuyển nhượng, mua bán. Vừa rồi, khiếu kiện đất đai nhiều là vì việc mua bán, chuyển nhượng không có xác nhận thông qua sổ đỏ, phát sinh quyền lợi khi thu hồi nên có khiếu kiện, vì nếu không có sổ đỏ thì bồi thường, hỗ trợ sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với có sổ đỏ.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem