Sữa ong chúa đắt giá

Thứ sáu, ngày 03/09/2010 18:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những người nuôi ong mật ở Sơn La luôn tất bật với việc làm sữa ong chúa. Với họ nghề này vất vả nhưng kiếm bộn tiền.
Bình luận 0

Sau một hồi mặc cả với khách, để giảm giá trị hợp đồng từ 5 triệu xuống còn 3 triệu đồng, với lý do "mùa này khó tạo sữa", anh Ngô Đình Kiếm (Chiềng Sinh, TP. Sơn La), chủ của 100 đàn ong mật bắt tay vào việc ngay.

img

Trước hết, anh chọn đàn ong khoẻ, đông quân, bắt ong chúa nhốt riêng để "thông báo" với ong thợ trong tổ về việc "mất chúa". Anh bảo: "Theo bản năng sinh tồn, ong sẽ tạo chúa mới ngay. Ong thợ tiết ra một chất đặc sánh, màu trắng, vị hơi mặn, mùi gây gây để nuôi ấu trùng ong thành chúa mới. Đó chính là sữa ong chúa".

Bằng những động tác thuần thục với chiếc kim có ngạnh ngang, anh Kiếm cấy từng ấu trùng ong thợ bé tý vào những cái mũ sáp nhỏ như đầu ngón tay út con trẻ, được gắn trên thanh ngang cầu ong (một phần của tổ ong).

Anh bảo: "Sau khoảng 4-6 ngày "đặt hàng với ong thợ" thì phải thu hàng cho khách. Nhiều khi, ong không chấp nhận tạo chúa mới, thậm chí bỏ tổ mà đi. Khi ấy, chủ ong đành "méo miệng", vừa trả lại tiền, vừa lo giải thích cho khách hàng thông cảm".

Là thợ nuôi ong mật hơn 10 năm nay, anh Kiếm được coi là "tay chơi cứng của làng nghề” trong việc làm sữa ong chúa. Khách hàng của anh chủ yếu là những người nhiều tiền, muốn tìm "hàng xịn" để dùng hoặc làm quà cho "thượng khách". Bởi vậy, họ không chỉ coi trọng chất lượng mà số lượng, thời hạn cũng phải "Zin".

img
Anh Ngô Đình Kiếm kiểm tra đàn ong mật.

Anh bảo: "Do giá cao, hàng hiếm nên có một số người làm sữa ong chúa giả từ nguồn sữa bò tươi trộn phấn hoa và lập luận đó là hỗn hợp sữa ong chúa để bán. Hàng của tôi, lấy trực tiếp từ tổ ong, còn nguyên chất, bảo quản trong tủ lạnh là dùng vài tháng vẫn vô tư".

"Cái giống sữa ong chúa này mà bôi da mặt thì trơn, sáng, mịn như da con gái nên các quý bà ngoại tứ tuần là ham dùng lắm. Còn cánh đàn ông thì bảo cái này “làm dai sức” đến bất ngờ", anh Ngô Đình Kiến cho biết.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 1.000 hộ nuôi ong. Nhiều hộ vào hàng "đại gia" như bà Nguyễn Thị Thùa ở Chiềng Mung (Mai Sơn), Nguyễn Văn Hồng (Yên Châu), Phạm Văn Quân (Mộc Châu)... mỗi năm thu tới vài ba trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ từ tiền bán mật, sữa ong chúa, phấn hoa, ong giống, sáp, ong non. Tuy vậy, sữa ong chúa vẫn khan hiếm với mức giá từ 10 - 20 nghìn đồng/mũ sữa (tương đương 1ml). Muốn có sữa ong tốt, phải đặt trước với chủ ong từ 10-15 ngày và chưa chắc có được lượng hàng như ý muốn.

Anh Nguyễn Văn Phượng, thợ nuôi ong ở phường Chiềng Sinh, bảo: "Tạo sữa ong chúa vừa phải mất nhiều thức ăn nuôi ong, vừa giảm sức lao động của đàn ong và chẳng phải ai cũng có kỹ thuật tốt để tạo ong chúa. Đây là mặt hàng cần được bảo quản trong tủ lạnh nên chẳng phải chỗ nào có ong là làm được sữa".

Nếm thử một mũ sữa. Cảm giác gây gây, mằn mặn khi giọt sữa đặc sánh, màu trắng đục tan trên lưỡi. Hỏi anh Phượng về tác dụng thật của sữa ong chúa, anh cười: "Ông có nhìn thấy con ong chúa, ong đực trong đàn ong không? Nó to gấp đôi ong thợ và tuổi thọ thì gấp tới 30 lần nhưng thực chất nó cũng được sinh ra từ ấu trùng ong thợ nhưng hơn ong thợ ở cái là nó được ăn sữa chúa. Sự chênh lệch nhau về trọng lượng, tuổi thọ của chính con ong là lời quảng bá chất lượng hiệu quả nhất của sữa ong chúa... Tốt như thế, ai chả thích".

Cái giống sữa ong chúa này mà bôi da mặt thì trơn, sáng, mịn như da con gái nên các quý bà ngoại tứ tuần là ham dùng lắm. Còn cánh đàn ông thì bảo cái này “làm dai sức” đến bất ngờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem