Bộ ba máy bay ném bom chiến lược xuất hiện ở đảo Guam.
Ngày 17.8, bộ ba máy bay gồm B-52, B-1 và B-2 đã xuất phát đồng thời từ căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam và bay diễn tập ra biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây được xem là sự đáp trả mạnh mẽ với những động thái leo thang quân sự gần đây của Trung Quốc trong khu vực.
“Bộ ba hủy diệt” này là những máy bay ném bom chiến lược quan trọng nhất của Không quân Mỹ. Đúng như tên gọi, chúng sở hữu những tính năng kĩ chiến thuật ưu việt và không thể cản phá.
“Pháo đài bay” B-52
Boeing B-52 Stratofortress (Pháo đài bay) là máy bay ném bom chiến lược phản lực được Không quân Mỹ sử dụng từ năm 1955. “Pháo đài bay” được sản xuất bởi hãng Boeing sau khi quân đội Mỹ đặt hàng nhằm thực hiện mục tiêu ném bom càn quét.
Máy bay B-52 bay với tốc độ cận âm (khoảng 900km/giờ) ở độ cao 15km và tốc độ tối đa là khoảng 1.000km/giờ. Với 8 động cơ cùng cặp cánh rộng, máy bay B-52 có thể bay liên tục 15.000 km. Thùng nhiên liệu của máy bay ném bom này chứa được 180.000 lít dầu và chở thêm 27 tấn vũ khí, đạn dược các loại.
Đây cũng là chiếc máy bay duy nhất có thể phóng tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp trên không (ALCM). B-52 chuyên dùng cho các cuộc tấn công tổng lực hoặc khu vực. “Pháo đài bay” đã hoạt động trong không quân Mỹ liên tục 61 năm không nghỉ, một kỉ lục chưa thể bị đánh bại ít nhất trong 30 năm nữa.
Máy bay ném bom B-1 Lancer
B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp-cánh xòe của Không quân Mỹ, sử dụng 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa 1.448 km/giờ và có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B, tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác.
Biên chế quân đội Mỹ hiện nay có 67 chiếc B-1 Lancer, dự kiến hoạt động tới năm 2025. Mẫu máy bay này được phát triển từ năm 1970 nhưng hoãn tới năm 1986 mới phục vụ Không quân Mỹ. B-1 được sử dụng chính thức trong chiến đấu lần đầu tiên ở chiến dịch “Cáo sa mạc” năm 1998 và hỗ trợ NATO tại Afghanistan và Iraq.
B-1 có phi đội bay gồm 4 người, bán kính chiến đấu trên 5.500km, tầm hoạt động 12.000km và trần bay 18km. Khoang nhiên liệu của B-1 chứa được 31.000 lít nhiên liệu và chở theo 6 giá treo vũ khí, tổng trọng lượng 23 tấn. Máy bay không trang bị súng ở đuôi như B-52.
Máy bay tàng hình B-2
Máy bay B-2 Spirit do hãng Northrop Grumman sản xuất, là máy bay ném bom đa chức năng có khả năng tàng hình, gắn được bom hạt nhân và bom thông thường. Đây là máy bay ném bom đắt nhất từng được sản xuất, chi phí mỗi chiếc lên tới 2,2 tỉ USD. B-2 được nghiên cứu chế tạo trong dự án đổi mới và hiện đại máy bay ném bom của Không quân Mỹ.
B-2 sở hữu kĩ thuật tàng hình thế hệ 2, giúp nó “lách” qua hàng rào phòng không, radar điện tử của đối phương mà không gặp bất kì trở ngại nào. Dù vậy, vấn đề lớn nhất với B-2 chính là trời mưa. Lớp vỏ đặc biệt của B-2 rất dễ bị mưa thẩm thấu và làm hỏng các thiết bị điện tử hiện đại bên trong. Để bảo trì, một kho chứa dành riêng cho B-2 được xây dựng lên. Hiện nay chỉ có 20 chiếc B-2 được sử dụng trong biên chế quân đội Mỹ.
Điểm quan trọng nhất của B-2 chính là hình dáng khí động học đặc biệt giúp nó “vô hình” trước radar và ưu thế mang theo nhiều bom. B-2 Spirit có thể bay liên tục 11.000km không cần nạp nhiên liệu. B-2 có thể khai hỏa và thanh toán 16 mục tiêu cùng lúc với độ chính xác cực cao nhờ Hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS) và Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM).
Tuy nhiên, do khả năng tàng hình nên B-2 phải bay một mình. Nếu bị phát hiện bởi máy bay chiến đấu khác, chắc chắn B-2 sẽ bị tiêu diệt trong “một nốt nhạc”.
B-2 chỉ có tổ lái hai người, phi công ngồi bên trái và chỉ huy ngồi bên phải và bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999.
B-2 sở hữu động cơ turbo cánh quạt General Electric F118-GE-100, lực đẩy 77 kN mỗi động cơ. Máy bay ném bom tàng hình này có tốc độ tối đa 1.000 km/giờ, tầm bay 10.400 km và trần bay 15 km.
B-2 có giá đặt bom 18 tấn (Mk82) mang theo được 80 quả và giá 12 tấn (CBU) mang theo được 36 quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.