Sức mạnh mềm Việt Nam để bước vào kỷ nguyên vươn mình

Việt Ân Thứ tư, ngày 29/01/2025 09:20 AM (GMT+7)
Việt Nam được quốc tế đánh giá có sự gia tăng về sức mạnh tổng thể, tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực, mà cải thiện lớn nhất là ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa.
Bình luận 0

Năm 2025 mở đầu bằng những sự kiện quan trọng với đối ngoại Việt Nam. Ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết Cổ truyền Ất Tỵ 2025. 

Cuộc điện đàm là sự tiếp nối những sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước, mà nổi bật trước đó là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Trung Quốc tháng 8/2024, chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư trên cương vị mới, trong đó hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

tat/Sức mạnh mềm Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Nga Mishustin - vị khách đầu năm 2025. Ảnh: VOV

Trong những ngày giữa tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là vị khách nước ngoài cấp cao đầu tiên đến thăm Việt Nam trong năm mới 2025. Chuyến thăm chỉ kéo dài 2 ngày nhưng dày đặc các sự kiện, bao gồm hội đàm, hội kiến các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, trong đó thảo luận mục tiêu mở rộng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2030, thanh toán song phương, nối lại đường bay thẳng, hợp tác kỹ thuật số, văn hóa, nghiên cứu khoa học, năng lượng xanh, chuyển đổi số, và được mong đợi nhất, hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân…

Trước đó, tháng 11/2024, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump để chúc mừng và trao đổi những kết quả tích cực của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ trong thời gian qua. Tổng Bí thư đã có sự kết nối cả với chính quyền sắp tới và chính quyền đương nhiệm của Mỹ lúc đó, khi trước đó đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 79, làm việc tại Mỹ hồi cuối tháng 9/2024.

3 câu chuyện trên là những ví dụ mới nhất về việc Việt Nam luôn theo đuổi sự cân bằng trong quan hệ quốc tế với các nước lớn. Việc kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với nguyên tắc cốt lõi là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết đã giúp Việt Nam vượt qua những sóng to gió cả trong cuộc cạnh tranh nước lớn khốc liệt những năm qua, "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa", tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, nhìn lại năm 2024, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam tham dự tổng cộng 59 hoạt động đối ngoại trong đó có 21 chuyến thăm các nước và dự các hội nghị đa phương, đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tháng 11/2024, Tổng thống Bulgaria tới thăm Việt Nam đã được mời đi thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự vừa chính thức mở cửa cách đó chưa lâu, ở đó ông nghe giới thiệu về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

tat/Sức mạnh mềm Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao lưu cùng CEO Nvidia Jensen Huang trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: VGP

Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa tới thăm Cột cờ. Hà Nội, nghe giới thiệu về lịch sử ý nghĩa của Cột Cờ và các công trình văn hóa - lịch sử trong khu vực, thưởng thức hương vị cafe Việt Nam tại quán cafe dưới chân Cột Cờ.

Không phải là chính khách, doanh nhân hàng đầu thế giới, CEO của người khổng lồ về AI Nvidia Jensen Huang cũng được đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đi thăm phố cổ, uống bia hơi phố cổ Hà Nội. Một hình ảnh chưa từng thấy với vị CEO quyền lực và lãnh đạo của một đất nước, cực kỳ thuyết phục và ấn tượng với người dân, du khách…

Tất cả những sự kiện này cũng đều phản ánh một khía cạnh quan trọng nữa của sức mạnh mềm của Việt Nam – đó là những giá trị từ bề dày lịch sử, sự phong phú đa dạng của văn hóa đất nước. Hiểu văn hóa Việt Nam, cách ứng xử, tính bao dung, hiếu khách, của Việt Nam sẽ hiểu được vì sao Việt Nam có thể gác lại quá khứ, hướng tới tương lai với kẻ thù cũ.

Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong năm 2024 Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ, Tiểu các Vương quốc A-rập thống nhất (UAE)…, qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bàn bè truyền thống.

Đánh giá về sức mạnh mềm từ góc độ chính sách đối ngoại, Đại sứ Đặng Đình Quý - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nói: "Trong quan hệ với các nước, Việt Nam thu hút được nhiều thiện cảm của hầu hết các nước; Việt Nam quan niệm về lợi ích một cách hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài,; hết sức tránh tình huống phải hành động vì lợi ích quốc gia - dân tộc mà gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của nước khác; xử lý hài hòa mối quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn.

Đối với các đối tác, dù là cá nhân, tổ chức hay quốc gia, Việt Nam cũng tạo dựng được hình ảnh ngày một tích cực hơn về một đất nước, một dân tộc biết giữ chữ "tín", "nói đi đôi với làm".

Sức mạnh mềm, tức là khả năng lôi cuốn, ảnh hưởng của một nước với nước khác thông qua văn hóa, ngoại giao, chính trị, được quốc tế đánh giá có sự thay đổi đáng kể với Việt Nam. Theo Chỉ số Quyền lực châu Á 2024 của Viện Nghiên cứu Lowy (Australia), sức mạnh tổng thể của Việt Nam đã tăng 1,2% so với năm 2023, tạo ra sức ảnh hưởng trong khu vực mạnh mẽ hơn so với các dự báo trước đó. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy Susannah Patton cho biết sự cải thiện lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 là sức ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa.

Nếu trước đây, những thắng lợi của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, nể phục, thì trong một thế giới đầy biến động như bây giờ, việc biết đến lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của Việt Nam được tiếp nối lại càng khiến vị thế của Việt Nam gia tăng, củng cố lòng tin của các nước với sự tham gia của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Việt Nam đã khéo léo đưa sức mạnh mềm văn hóa. Lịch sử ra giới thiệu với các lãnh đạo quốc gia, các doanh nhân nổi tiếng, thu hút sự quan tâm và giành được sự tôn trọng của họ. Những chuyến thăm đó không chỉ là cơ hội để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa các quốc gia, mà còn giữa các cá nhân lãnh đạo.

Sức mạnh mềm Việt Nam đang được phát huy ngày càng đa dạng, làm nổi bật hình ảnh một Việt Nam không chỉ đang vươn lên về kinh tế mà còn giàu bản sắc văn hóa và thân thiện với bạn bè quốc tế. Và không có gì thuyết phục hơn quan hệ giữa con người với con người để từ đó mở ra những cơ hội hợp tác mới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem