Ngày xuân, Bác đến với nông dân, công nhân...

Lê Sơn Thứ tư, ngày 29/01/2025 08:49 AM (GMT+7)
Từ mùa xuân Tân Tỵ 1941 khi trở về nước nhà, đến khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu lo cho nước, cho dân. Xuân này, chúng ta nhớ đến Người với những mùa xuân, những ngày xuân "không chút riêng tư" mà bận rộn, sâu sát đời sống, việc làm của bộ đội, nông dân, công nhân...
Bình luận 0

Bác về giữa mùa xuân...

Sau 30 năm xa Tổ quốc, bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ và các đồng chí đi cùng bước qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa vạn vật sinh sôi, mùa của những tin yêu và kỳ vọng... Nhà thơ Tố Hữu trong bài "Theo chân Bác" đã mô tả về thời khắc ấy:

..."Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ..."

Xa rời Tổ quốc 30 năm, cuối cùng, Cao Bằng đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên khi Bác Hồ trở về nước. "Bao năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động" (sách Đường Bác Hồ cứu nước, NXB Thanh niên, 1995). Khoảnh khắc Bác bước qua cột mốc 108 ấy, trong con mắt nhà thơ Chế Lan Viên còn đầy niềm xúc động và trông đợi: Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất - Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai...

Mảnh đất Tổ quốc đầu tiên được đón bước chân Bác Hồ là bản nhỏ Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Những ngày đầu về nước, Người tạm nghỉ ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Bó, cũng ở Pác Bó. Hang không rộng lắm, có mấy ngách nhỏ. Trong một ngách có tảng đá khá to, bằng phẳng, sau này mọi người gác cây rồi rải lá lên làm giường nằm. Gần đấy, một con suối nhỏ chảy quanh các tảng đá, rồi đổ xuống phía dưới, tung bọt trắng xóa. Bác hỏi, Máy Lỳ bảo: "Ở đây mọi người gọi hang này là Cốc Bó, có nghĩa là đầu nguồn!".

Khi đi xem cảnh vật chung quanh, nhìn ngắm mãi ngọn núi đá hùng vĩ, Bác bảo với mọi người:

- Chúng ta sẽ đặt tên cho ngọn núi này là Núi Các - Mác, còn dòng suối đẹp kia, nước trong vắt bắt nguồn từ ngọn núi ra, gọi là Suối Lê-nin!

Tất cả mọi người đều tán thưởng!

Tại hang Pác Bó, Bác Hồ - với bí danh mới "Già Thu", "Cụ Thu Sơn", trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể Cứu quốc ở Cao Bằng. Người mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, biên soạn Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự, để làm tài liệu học tập...

Trong hang đá, nơi núi xanh rừng thẳm, mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng đúng như trong lời thơ của Người:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Và cả niềm tin về sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

gop/Ngày xuân, Bác đến với nông dân, công nhân... - Ảnh 1.

Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (2/2/1965), Bác Hồ về thăm, chúc Tết cán bộ, quân và dân Quảng Ninh. Ảnh: T.L

Tháng 5/1941, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó) quyết định giành độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh ra đời đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.

gop/Ngày xuân, Bác đến với nông dân, công nhân... - Ảnh 2.

Bác Hồ thăm hỏi người dân ở Pác Bó, Cao Bằng, năm 1961. Nơi đây, mùa xuân năm 1941, Người đã gắn bó những ngày đầu tiên khi trở về Việt Nam sau 30 năm bôn ba nước ngoài. Ảnh: T.L

Ngày xuân, nhớ đến chiến sĩ, đồng bào

Tết Quý Tỵ 1953, lúc đó, nhân dân ta đang tích cực chiến đấu chống thực dân Pháp, chuẩn bị cho giai đoạn tổng tấn công. Xuân Quý Tỵ, Bác Hồ bước vào tuổi 63. Lúc ấy, Bác đang sống và làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc, để cùng với T.Ư Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ thủ đô gió ngàn, Bác Hồ viết thư chúc Tết:

Mừng năm Thìn vừa qua/Mừng xuân Tỵ đã tới

Mừng phát động nông dân/ Mừng kháng chiến thắng lợi

Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng năm mới nhiệm vụ mới...

Khi ấy, quân và dân ta vừa trải qua bảy năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, liên tiếp giành thắng lợi trên khắp các chiến trường, mà gần nhất là chiến thắng Tây Bắc Thu - Đông năm 1952 giải phóng hoàn toàn một vùng rộng lớn, nối liền nước ta với nước bạn Lào. Còn ở hậu phương, chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất vừa được Chính phủ ban hành như luồng gió mới làm nức lòng hàng triệu nông dân. Trong bối cảnh ấy, thơ chúc Tết Quý Tỵ 1953 của Bác Hồ cũng hào sảng, phấn chấn và giục giã lòng người hơn năm trước.

Thơ Bác mừng xuân năm Quý Tỵ 1953 đã động viên nhân dân hậu phương phấn khởi phát động nông dân góp phần cho tiền tuyến. Bộ đội hồi đó hầu hết con em nông dân được tin quê hương, nông dân được hưởng giảm tô mà hăng say chiến đấu.

Mùa xuân năm 1965 – Xuân Ất Tỵ, Bác Hồ bước vào tuổi 75 và bắt đầu suy nghĩ viết Di chúc để lại. Như thường lệ, Bác gửi thơ Xuân tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới.

Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi.

Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi,

Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới,

Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi,

Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng,

Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi!

Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!

gop/Ngày xuân, Bác đến với nông dân, công nhân... - Ảnh 3.

Bác Hồ chúc Tết gia đình ông bà Trần Mộc Sinh, dân tộc Hoa, ở thôn Khe Cát, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, ngày 2/2/1965 (mùng 1 Tết Ất Tỵ). Ảnh: B.T.H.C.M

Sáng 30 Tết Ất Tỵ (1/2/1965), Bác tham gia trồng cây với hơn 1.500 cán bộ và đồng bào khu vực Cổ Loa. Sau đó, Người đi thăm và tham gia trồng cây với bà con nông dân HTX Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Người chúc Tết bà con xã viên, nghe chủ nhiệm HTX báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân. Người nhắc nhở HTX cần phải đẩy mạnh sản xuất hơn nữa và chỉ dẫn cho các xã viên cách đào giếng nước, xây dựng công trình vệ sinh.

Buổi chiều 30 Tết, Bác cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, xuống thăm vùng mỏ Quảng Ninh. Bác nói với các đồng chí xung quanh rằng: Quảng Ninh vừa lập công xuất sắc, đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964, bắt sống tên giặc lái đầu tiên nên chúng ta phải xuống động viên và chúc mừng. Hơn nữa, sắp tới Tổ quốc ta đang rất cần than để đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống. Chúng ta xuống Quảng Ninh để động viên quân và dân vùng mỏ đẩy mạnh sản xuất trong năm mới.

Sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ, Bác gặp mặt hơn 2 vạn đại biểu các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh để chúc mừng năm mới. Người biểu dương thành tích mà Quảng Ninh đã đạt được trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và chiến đấu. Người cũng nhắc nhở quân và dân toàn tỉnh luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chiến thắng. Người cũng nhấn mạnh đến vai trò của tỉnh trong việc sản xuất than cho Tổ quốc, nêu lên một số phương hướng phấn đấu của ngành than trong những năm sắp tới. Nhân dịp này, Người tặng quân và dân Quảng Ninh lá cờ thưởng luân lưu cho toàn ngành than và thiếp chúc Tết cho những đơn vị, cá nhân có thành tích.

Sau cuộc gặp mặt, Bác đến thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân mỏ than Uông Bí, Nhà máy Điện Uông Bí, mỏ than Vàng Danh. Gần trưa, Bác và đoàn rời Hòn Gai tiếp tục đi chúc Tết nhân dân huyện Yên Hưng. Bác "xông đất" một số gia đình xã viên HTX Khe Cát. Bác rất vui khi thấy trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng nhà nào cũng có bánh mật, bánh chưng, chè Ba Đình và hoa đẹp. Bác thân mật chúc Tết các gia đình, gần gũi thân thương như một người ông đi xa trở về... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem