Bản đồ Donbass – Ukraine – Nga (ảnh: Guardian)
Tháng 4.2014, 2 tỉnh miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk – gọi chung là Donbass – tuyên bố tách khỏi ảnh hưởng của chính quyền Kiev và thành lập “nhà nước độc lập”. Lực lượng quân sự của Donbass với tên gọi là “Lực lượng vũ trang thống nhất Novorossiya cũng ra đời ngay sau đó. Novorossiya được biên chế thành 2 quân đoàn. Quân đoàn 1 ở Donetsk và quân đoàn 2 ở Luhansk. Có rất ít thông tin về tổ chức và tiềm lực của 2 quân đoàn này.
Từ năm 2014, những cuộc giao tranh liên tiếp nổ ra giữa Ukraine với phe ly khai miền đông đã khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng. Trước khi tuyên bố ly khai, Donbass – khu vực có 3,5 triệu dân – là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp nặng của Ukraine và không được đánh giá cao về năng lực quân sự. Donetsk – thành phố lớn nhất ở Donbass – có một sân bay quốc tế và từng tổ chức một số trận đấu thuộc khuôn khổ giải bóng đá vô địch châu Âu (UEFA Euro 2012).
Kiev và NATO cho rằng, lực lượng quân sự của Donbass có khoảng 80.000 – 120.000 binh sĩ. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn. Năm 2015, trong bối cảnh giao tranh với quân đội Ukraine diễn ra ác liệt, Cộng hòa Donetsk tự xưng tuyên bố tổng động viên 100.000 binh sĩ.
Trước khi ly khai, sức mạnh quân sự ở miền đông Ukraine không mấy đáng chú ý (ảnh: RT)
Lãnh đạo hiện nay của Cộng hòa Donetsk tự xưng là ông Denis Pushilin. Lãnh đạo của Cộng hòa Luhansk tự xưng là ông Leonid Pasechnik. Cả 2 người này đều có tư tưởng thân Nga.
Trích dẫn một báo cáo từ Kiev, hôm 21.2, Guardian đưa tin Donbass sở hữu 481 xe tăng, 914 xe bọc thép, 720 hệ thống pháo, 202 hệ thống tên lửa. Ukraine cáo buộc Donbass sở hữu tiềm lực quân sự mạnh như hiện nay là do sự hậu thuẫn của Nga. Tuy nhiên Moscow chưa bao giờ thừa nhận điều này.
Theo National Interest, Kiev chưa từng đưa ra bằng chứng nào chứng minh cáo buộc “hàng nghìn binh sĩ và hàng trăm xe tăng Nga” đang chiến đấu cùng phe ly khai miền đông. Có một số loại vũ khí do Nga sản xuất hiện diện ở Donbass, nhưng trước khi xảy ra khủng hoảng, Ukraine cũng từng sở hữu những vũ khí này.
National Interest cũng ghi nhận một sự việc như sau: “Từ ngày 20.6 – 20.7.2014, quân đội Ukraine ở Donbass đã “mất trộm” 25 xe tăng, 19 xe bọc thép, 5 hệ thống pháo D-30, 11 hệ thống pháo Grad, 16 súng cối cỡ nòng 82 mm, 2 súng phòng không. Bằng cách nào đó, số vũ khí này đều nằm trong tay lực lượng ly khai”.
“Những lệch lạc trong tác chiến từ năm 2014 – 2015 đã khiến Kiev thức tỉnh và bắt đầu thực hiện cải cách quân sự quy mô lớn”, Nicolo Fasola – chuyên gia nghiên cứu an ninh tại Đại học Birmingham – nhận xét.
Theo National Interest, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sở hữu một số vũ khí đáng gờm như: Hệ thống tác chiến điện tử R-330 Zhitel, tổ hợp phòng không tầm ngắn Osa-AKM, hệ thống pháo phản lực Grad-M. Đây là những vũ khí giúp Donbass đối phó hiệu quả với quân đội Ukraine khi phòng thủ trong đô thị.
Lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine được cho là sở hữu hàng trăm xe tăng (ảnh: NI)
“Lực lượng quân sự ở Donbass được trang bị tương đối tốt với dàn hỏa lực mạnh. Mỗi lần tấn công Donbass, quân đội Ukraine thường phải trả cái giá khá đắt. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có thay đổi khi quân đội Ukraine ngày càng được nâng cấp cả về chất và lượng. Kiev cũng nhận được hỗ trợ từ Mỹ, NATO”, Vladislav Shurygin – chuyên gia quân sự Nga – nhận định.
“Đối với Donbass, vũ khí họ cần nhất hiện tại là các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử để vô hiệu hóa máy bay không người lái”, ông Vladislav Shurygin nói.
Năm 2021, khi một máy bay trinh sát quân sự Mỹ Boeing RC-135W bị phát hiện bay qua Donbass, lực lượng phòng không của Donetsk và Lugansk đã tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ máy bay quân sự nào bay qua mà không xin phép.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, Kurt Volker – đặc phái viên Mỹ ở Ukraine – cho rằng: “Xe tăng ở Lugansk và Donetsk nhiều hơn xe tăng của tất cả các nước tây Âu cộng lại”. Đánh giá trên có phần cường điệu nhưng cũng phần nào cho thấy tiềm lực quân sự đáng gờm của phe ly khai miền đông Ukraine.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.