Nguyên mẫu F-16V Mỹ bay thử năm 2015. Ảnh: USAF.
"Thương vụ này là hành động can thiệp nghiêm trọng vào tình hình nội bộ, phá hoại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 21/8, đề cập tới việc Mỹ đồng ý bán 66 tiêm kích F-16V Viper, 75 động cơ và trang thiết bị trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan.
Hợp đồng này cùng dự án hiện đại hóa 144 tiêm kích F-16A/B Block 20 lên chuẩn Viper được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ cho lực lượng phòng vệ Đài Loan, đối phó với nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực thu hồi hòn đảo.
Phiên bản tiêm kích F-16V Viper được Mỹ công bố lần đầu tại triển lãm hàng không Singapore vào tháng 2/2012. Washington đề xuất hai lựa chọn cho khách hàng, gồm mua tiêm kích F-16V mới hoàn toàn hoặc nâng cấp những chiếc F-16 đời cũ lên chuẩn Viper.
Điểm nổi bật nhất của dòng Viper là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, sử dụng nhiều công nghệ từ radar tiêm kích F-22 và F-35. Tính năng cụ thể của loại radar này không được công bố, nhưng nó có tầm hoạt động, tốc độ quét và số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc vượt trội so với radar trên tiêm kích F-16 đời cũ.
Phi công được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay (JHMCS), tăng uy lực cho tên lửa tầm nhiệt AIM-9X nhờ khả năng khóa và tấn công mục tiêu theo hướng nhìn của phi công, thay vì phải chờ máy bay hướng mũi về phía đối phương.
Ngoài vũ khí đối không hiện đại như tên lửa tầm trung AIM-120C AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X, tiêm kích F-16V cũng có thể mang nhiều khí tài tiến công như tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon, diệt radar AGM-88, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và bom dẫn đường laser GBU-12.
"Những chiếc F-16V có thể chia sẻ dữ liệu mục tiêu với chiến đấu cơ Mỹ như F-35, F-15, F-16 và F-18 nhằm điều phối hoạt động tác chiến một cách hiệu quả, gây khó khăn cho mọi chiến dịch quân sự của Trung Quốc. Sự xuất hiện của phi đội F-16V tại Đài Loan sẽ là bước đi lớn trong việc xây dựng mạng lưới phòng thủ của Mỹ tại châu Á", cây bút Stephen Bryen của Asia Times nhận xét.
F-16V được trang bị buồng lái kính tiên tiến với hệ thống điện tử và máy tính điều khiển hiện đại. Các đồng hồ cơ khí được thay bằng màn hình đa chức năng (MFD), cùng một màn hình hiển thị độ nét cao cỡ lớn (CPD) ở giữa hai đầu gối phi công.
CPD tăng khả năng nhận thức tình huống của phi công bằng cách hiển thị thông số kỹ thuật và dữ liệu tác chiến theo thời gian thực. Đường truyền dữ liệu Link 16 cho phép các tiêm kích F-16V kết nối với nhau, hoặc đồng bộ dữ liệu với đồng minh trong những chiến dịch quy mô lớn.
F-16V được trang bị một máy tính hiệu suất cao với thiết kế module thay cho ba máy tính điều khiển cồng kềnh của phiên bản F-16 đời cũ. Thiết kế này tăng cường đáng kể năng lực tính toán, xử lý dữ liệu từ các cảm biến và vũ khí, đồng thời giảm bớt khối lượng cho máy bay.
Hệ thống hiển thị trong buồng lái tiêm kích F-16V. Ảnh: Lockheed Martin.
Máy bay cũng được lắp thiết bị định vị vệ tinh cùng Hệ thống phòng chống va chạm mặt đất tự động (AGCAS), giúp cảnh báo phi công khi máy bay sắp lao xuống đất hoặc tự động điều chỉnh đường bay khi người điều khiển bất tỉnh.
Những chiếc F-16V sản xuất mới sẽ được lắp động cơ P&W F100-PW-229 hoặc General Electric F110-GE-129, cùng hàng loạt cải tiến về khí động học và tăng độ bền khung thân. Đây là những tính năng không xuất hiện trong giải pháp hiện đại hóa tiêm kích F-16 đời cũ lên chuẩn Viper.
"Tiêm kích F-16V rất đắt với mức giá hơn 120 triệu USD/chiếc, nhưng sở hữu khả năng tiến công ngang ngửa các chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc như J-10C hay thậm chí là J-16. Nó thậm chí có thể phát hiện tiêm kích tàng hình J-20 từ xa", chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau đánh giá.
Đài Loan sẽ sở hữu tổng cộng 210 tiêm kích F-16V sau khi các hợp đồng mua mới và nâng cấp với Mỹ được hoàn thành. Giới chuyên gia đánh giá đây là phi đội tiêm kích rất uy lực, nhưng vẫn khó lòng thay đổi cán cân quân sự ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên nguội lạnh kể từ khi bà Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách "Một Trung Quốc", lên nắm quyền hồi giữa năm 2016.
Trung Quốc gần đây liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh.
Đáp lại, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã thay đổi chiến lược phòng thủ từ "đánh bại lực lượng tấn công" sang "đẩy lùi cuộc xâm lược trên không và trên biển", đồng thời tiến hành nhiều cuộc tập trận theo chiến lược mới.
Vũ Anh (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.