Với những tác động của dịch Covid-19, từ tháng 15/1/2020 đến 28/4/2020, mặt hàng xăng dầu trong nước đã có chuỗi 8 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp, giá xăng đã giảm gần 50%, trong khi giá dầu giảm gần 40%. Giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả người tiêu dùng (cá nhân và doanh nghiệp) và người kinh doanh mặt hàng này không được hưởng lợi. Thậm chí nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang rơi vào tình trạng thua lỗ do biến động giá và nhu cầu thấp của người dân.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng từ 01/2020-13/4/2020 - Thống kê của Bộ Công Thương
Ông Bảy – chủ một cửa hàng xăng dầu thuộc dạng lớn tại Gia lâm – Hà Nội cho biết kể từ đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ xăng dầu ở cửa hàng đã liên tục lao dốc. Ông cho biết trước khi có dịch Covid-19, mỗi ngày cửa hàng có thể tiêu thụ từ 4.000 – 5.000 lít xăng và dầu, do đó chỉ 2-3 ngày có thể bán hết một xe hàng. Tuy nhiên, kể từ khi chịu tác động của dịch, lượng người dân và ô tô đi lại trên đường giảm mạnh khiến cho sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại cửa hàng cũng liên tục giảm.
Ông chia sẻ hiện sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại cửa hàng chỉ còn khoảng 1.500 đến 2.000 lít/ngày (giảm từ 50-70% sản lượng tiêu thụ), do đó hiện nay phải 1 tuần tới 10 ngày cửa hàng mới bán hết một xe hàng nhập về. Không chỉ giảm sâu về sản lượng tiêu thụ, mức chiết khấu dành cho đại lý bán xăng dầu giờ cũng đang rất thấp. Mức doanh thu được từ hoạt động kinh doanh chỉ còn khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/ngày. Với mức này, mỗi tháng cửa hàng thu về khoảng 30 đến 36 triệu đồng từ hoạt động kinh doanh.
Theo ông, số tiền này không đủ chi phí bởi cửa hàng phải chi lương cho hơn chục nhân viên lên tới hơn 70 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn tiền điện, nước, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh... cũng lên tới vài chục triệu đồng nữa. Do đó, kể từ đầu năm 2020 đến nay, cửa hàng của ông liên tục rơi vào cảnh bù lỗ và mang tiền tích lũy sau nhiều năm kinh doanh để “dè sẻn ăn dần”.
Ông Bảy chia sẻ, nhiều người nghĩ rằng kinh doanh xăng dầu sẽ giàu to bởi nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhưng bước vào kinh doanh rồi mới thấy những khó khăn bởi số vốn bỏ ra lên tới cả chục tỷ đồng, sức cạnh tranh cũng ngày càng lớn. Ông cho biết chỉ 2-3km chỗ ông kinh doanh có tới 5-6 cây xăng, bên cạnh đó cửa hàng còn bị nhiều khách hàng chiếm dụng vốn lưu động, khiến cho hoạt động kinh doanh trong những tháng qua đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.
Là người đã có nhiều năm kinh doanh xăng dầu, nhưng ông cũng thừa nhận rất khó để có thể đưa ra đánh giá chính xác về nhu cầu tiêu thụ của thị trường ở thời điểm này. Cộng với việc giá xăng, dầu liên tục giảm từ đầu năm tới nay, nên chỉ một quyết định nhập hàng sai thời điểm có thể khiến các cửa hàng kinh doanh lỗ ngay vài chục triệu đồng tiền hàng. Ông cũng cho rằng đây là giai đoạn khó khăn chung của cả ngành kinh doanh xăng dầu chứ không phải chỉ riêng với cửa hàng của mình.
Sức mua yếu của người dân khiến nhiều cây xăng đã giảm sản lượng tiêu thụ
Tương tự, anh Chinh (chủ một cây xăng ở Ý Yên – Nam Định) cũng cho biết hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu của mình kể từ đầu năm 2020 đến nay cũng chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19. Anh chia sẻ, trước đây mỗi ngày cửa hàng bán được hơn 1.000 lít, nhưng trong những tháng qua sản lượng bán hàng đã giảm từ 30% - 40%, chỉ còn vài trăm lít/ngày. Với mức sản lượng tiêu thụ này, sau khi trừ đi chi phí thuê nhân viên bán hàng, điện nước và các khoản chi khác thì cửa hàng cũng đang bị lỗ đáng kể.
Anh cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu lẻ ngày càng khó khăn bởi mức chiết khấu dành cho cửa hàng không cao. Trong khi số vốn đầu tư để mở một cửa hàng ở những vùng quê cũng đã lên tới 4-5 tỷ đồng, hàng tháng cũng cần thêm gần 1 tỷ đồng nữa để làm vốn lưu động nhập hàng. Anh Chính cho biết, với số vốn lớn như thế này, mỗi tháng cửa hàng cần phải thu được số lãi từ 45 – 50 triệu, sau khi trừ đi các chi phí thì mới có thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2020 đến nay chưa tháng nào cửa hàng anh đạt được chỉ tiêu này.
Ở nhóm “Hội kinh doanh xăng dầu” với hơn 4.000 thành viên, những câu chuyện về sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh thời gian này luôn được thảo luận sôi nổi. Các thành viên đều thừa nhận, hoạt động bán lẻ xăng dầu giờ rất khó khăn bởi chi phí đầu tư lớn, trong khi mức chiết khấu cho cửa hàng là rất thấp. Nếu không quản lý, nhận định nhu cầu thị trường tốt, người bán hoàn toàn có thể thua lỗ và rơi vào hoàn cảnh phá sản chỉ sau vài năm kinh doanh.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Văn Hội cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm trước đó.
Trong quý I/2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn cộng thêm khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư cung khoảng 35%. Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR quý I không đạt như kỳ vọng. BSR đã sản xuất 1,7 triệu tấn, doanh thu đạt 18.091 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.732 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là âm 2.332 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.