Sumitomo tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam
Sumitomo tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam
Nguyễn Thụy
Thứ bảy, ngày 16/12/2023 15:00 PM (GMT+7)
Sumimoto, một trong những tập đoàn Nhật Bản mạnh nhất về kinh doanh tài chính và bất động sản công nghiệp, bắt đầu đổ tiền vào lĩnh vực khu công nghiệp ở Việt Nam.
Công ty TNHH liên doanh phát triển Quảng Trị (QTIP) – liên doanh giữa Sumitomo, VSIP Group và Công ty Amata Biên Hòa của Thái Lan – đã khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị vào ngày 15/12.
Lễ khởi công Khu công nghiệp Quảng Trị tại Quảng Trị ngày 15/12/2023. Ảnh: Báo Quảng Trị.
Dự án với tên gọi VSIP Quảng Trị tại huyện Hải Lăng - tỉnh Quảng Trị có quy mô 481 ha và tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 97,4 ha và vốn đầu tư hơn 504 tỷ đồng.
VSIP Quảng Trị cách sân bay quốc tế Phú Bài (TP. Huế) 60 km, cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) khoảng 40 km. Tổng thời gian phát triển dự án là 12 năm, dự kiến dự án tạo việc làm cho 30.000-40.000 lao động. Các ngành mục tiêu gồm dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống.
Ông Bernald Tan, Tổng Giám đốc QTIP, cho biết công ty ông dự kiến bàn giao đất công nghiệp cho khách hàng vào quý 4/2024.
Cuối tháng 8/2023, tập đoàn Sumitomo đề xuất với lãnh đạo tỉnh Nam Định về dự định phát triển 1 khu công nghiệp tại Nam Định với quy mô hơn 300 ha.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nam Định, ông Akito Shiraishi, Phó tổng quản lý ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận của Sumitomo Corporation cho biết tập đoàn cùng Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (thành viên của Sumitomo) sẽ nghiên cứu thực hiện dự án này.
Ông Shiraishi cho biết Sumitomo Corporation thành lập năm 1919 và vốn chủ sở hữu của tập đoàn hiện nay là 26,6 tỷ USD; số lượng các công ty con và công ty liên kết là 883 đơn vị. Tập đoàn đang trực tiếp quản lý 9 khu công nghiệp tại 6 nước và phân phối sản phẩm bất động sản công nghiệp cho 4 KCN tại các nước khác.
Về Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long, dữ liệu của công ty cho thấy doanh nghiệp được thành lập vào tháng 5/2008 và trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Thời điểm tháng 2/2023, vốn điều lệ của doanh nghiệp gần 391,6 tỷ đồng. Trong đó, Summit Global Management II B.V. con của Sumitomo giữ 58% và Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi nắm 42% và Summit Global Management II B.V (58%). Đông Anh Licogi là công ty con của Tổng Công ty Licogi chuyên thi công xây lắp nền móng và hạ tầng.
Tại Việt Nam, Sumitomo thành lập KCN Thăng Long vào năm 1997. Đến nay, Sumitomo cũng có KCN Thăng Long II tại Hưng Yên, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, "đại gia" này đang hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam để xây dựng khu đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD.
Trước đó, Sumitomo ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa trong tháng 7 về việc thực hiện dự án KCN phía tây TP. Thanh Hóa với diện tích dự kiến 650 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Theo kế hoạch, Sumitomo sẽ khai dự án trong năm 2024 và 2025.
Trước khi đến Thanh Hóa, Sumitomo cũng thông báo có kế hoạch đầu tư mở rộng giai đoạn 4 Khu công nghiệp Thăng Long II sau khi triển khai xong giai đoạn 3 của dự án ở Hưng Yên.
Trong hệ sinh thái của Sumitomo, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản. Cuối năm 2021, SMBC công bố hoàn tất quá trình mua lại 49% vốn của công ty tài chính FE Credit từ ngân hàng VPBank của Việt Nam. Hai bên không công bố giá của thương vụ nhưng được ước tính gần 1,4 tỷ USD vì tại thời điểm bán, FE Credit được định giá 2,8 tỉ USD.
Sau khi bán 49% vốn FE Credit cho SMBC, VPBank ký thỏa thuận vào tháng 3/2023 để phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ của VPBank cho SMBC và sẽ thu về VPBank 35.900 tỉ đồng (tương đương 1,5 tỉ USD). Cộng 2 lần bán lại, tổng số tiền do SMBC đầu tư vào VPBank là 2,9 tỉ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.