Ngày 12/4, bác sĩ Lê Văn Quý (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2 sau ăn thịt chim bồ câu.
Bệnh nhân là P.P.H. (23 tuổi, trú tại phường Tân Dân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nổi nốt đỏ khắp người, đầu lưỡi tê và sưng phù đỏ chân tay ngay sau 2 giờ ăn thịt chim bồ câu.
Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử dị ứng với tôm, cua, thịt chim bồ câu. Năm 2 tuổi, bệnh nhân từng bị dị ứng sau khi ăn thịt chim bồ câu.
Bệnh nhân đã chủ động dùng thuốc chống dị ứng ở nhà nhưng tình trạng không cải thiện. Các triệu chứng trên có dấu hiệu chuyển biến nặng hơn nên đã đến cơ sở y tế trên điều trị.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu, cô H. được xử trí theo phác đồ cấp cứu xử trí sốc phản vệ: Tiêm bắp adrenalin, dùng thuốc chống dị ứng, chống viêm, truyền dịch bù điện giải…
Sau điều trị một ngày, bệnh nhân đã ổn định trở lại, các triệu chứng thuyên giảm và được ra viện vài ngày tới.
Theo bác sĩ Lê Văn Quý (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), sốc phản vệ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi trường hợp và không chỉ do dùng thuốc. Nguyên nhân có thể là ăn thức ăn lạ (tôm, cua, ghẹ, thịt, côn trùng…), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ…
Sốc phản vệ xảy ra bất cứ lúc nào, những người đã từng bị dị ứng với loại thức ăn nào thì không nên ăn lại. Bởi lần sốc phản vệ sau sẽ nặng hơn lần trước, tính mạng nguy kịch nhanh chóng, thậm chí dẫn đến tử vong.
"Để đảm bảo an toàn, người có cơ địa dị ứng không chọn các món dễ gây dị ứng, chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chế biến kỹ lưỡng. Không ăn bất cứ loại thức ăn nào từng gây sốc phản vệ.
Khi xuất hiện các triệu chứng khác thường như: mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét và điều trị kịp thời", bác sĩ Quý khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.