Đồi núi phải “gục đầu”
Bãi vàng K “ngự” trên suốt chiều dài hàng chục cây số của suối Đạ Ka Zôn chảy qua các xã Đạ Quyn, Tà Năng, Đà Loan… của huyện Đức Trọng, ồn ĩ trong suốt 20 năm qua và hiện vẫn đang “nóng” bởi nạn đào đãi vàng. “Vào lúc cao điểm, chỉ một đoạn suối khoảng vài cây số ngang qua Tà Năng đến Đạ Quyn thôi mà đã có đến trên 30 chiếc máy đào hoạt động suốt ngày đêm, băm nát cả dòng Đạ Ka Zôn.
|
Núi đồi bị băm nát bởi nạn đào đãi vàng từ thủ công đến cơ giới |
Rồi nữa, dọc hai bên suối, những quả đồi từ K0 đến K72 cũng bị khoét đến rỗng ruột, đến phải… gục đầu!” – ông KTem - nguyên Chủ tịch xã Tà Năng (hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Đạ Quyn) – cho biết. Cũng theo ông KTem, khi bị đẩy đuổi ra khỏi bãi vàng K, hàng trăm vàng tặc chỉ lùi ra phía Đà Loan (tiếp giáp với Tà Năng) và cũng ngay trên dòng suối Đạ Ka Zon để đào đãi, chứ không… giải nghệ.
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Lâm Đồng đã bắt quả tang một cơ sở tuyển vàng bất hợp pháp tại thôn Tà Nhiên, xã Tà Năng, Đức Trọng. Chủ cơ sở tuyển quặng này là Đỗ Huy Hạ, sinh năm 1983, quê Phúc Thọ (Hà Nội); trú tại thôn Ta Ré, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận: Lò tuyển quặng (vàng) của ông Hạ gồm 3 bể chứa cát sa khoáng (mỗi bể 50m3), 1 bể ngầm chứa hóa chất, 1 máy bơm phục vụ chế biến… Người dân trong vùng cho biết, cơ sở chế biến của ông Hạ đã đi vào hoạt động trái phép từ cuối năm 2009 đến khi bị phát hiện (đầu tháng 8-2010) và gần như là hoạt động công khai.
Bán ruộng cho “vàng tặc”
Còn tại Boop Blé, nơi con suối chảy qua hai xã Phi Liêng và Đạ KNàng thuộc huyện Lâm Hà, lòng suối cùng cả cánh đồng và những dãy đồi dọc theo suối trong những ngày vừa qua cũng “nóng” không kém. Tại đây, cả đoạn suối dài hơn 1km đã bị băm nát và loang lổ hầm hố.
Được biết thêm một thông tin… không mới (nhưng vừa được công khai), là ở Tà Năng và Đạ Quyn đã có ít nhất 52 hộ “hy sinh” ruộng vườn của mình cho vàng tặc với giá từ 10 - 30 triệu đồng/sào để “góp phần” biến Đạ Ka Zôn thành dòng suối chết!
Ven hai bên bờ suối, nhiều quả đồi và nhiều đám ruộng của dân trong vùng cũng bị “vàng tặc” cày xới đến tơi tả. “Chúng tôi đã mua lại những đám ruộng này của dân trong vùng. Vậy là nó thuộc về chúng tôi, nên chúng tôi muốn làm gì thì làm chứ!” – một “chủ bưởng” vàng đã oang oang như thế.
Dọc dòng suối Boop Plé này là nơi định cư theo quy hoạch của hơn 100 hộ dân người dân tộc thiểu số phía Bắc di dân tự do vào Lâm Hà và Đam Rông trong những năm gần đây. Thực hiện quy hoạch theo chủ trương của tỉnh, chính quyền huyện Đam Rông trong hai năm gần đây không chỉ hỗ trợ bà con làm nhà, làm đường… mà còn bố trí cho họ canh tác ruộng nước dọc hai bên suối nhằm ổn định cuộc sống cho bà con.
Thế nhưng, ngay dưới lòng đất ruộng dọc hai bên suối Boop Plé này lại chứa cả… kho vàng nên tình trạng bán ruộng cho dân khai thác vàng đã xảy ra. Và, giống như ở Ka Zon, nạn đào đãi vàng trái phép ở Boop Plé cũng diễn ra khá công khai trước sự “bó tay” của chính quyền cấp xã.
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.