Sướng như dân Phú Thọ: Trồng rừng vừa có tiền vừa được cho tiền

Khương Lực Thứ ba, ngày 10/12/2019 13:43 PM (GMT+7)
Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm những khu rừng keo được trồng cách đây 5-6 năm phát triển tươi tốt, ông Phạm Văn Quế, Trưởng thôn Khu 11, xã Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ) tỏ ra phấn khởi khi cuộc sống của hơn 100 hộ dân trong khu nay đã “thay da đổi thịt” từng ngày.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Văn Quế, Trưởng thôn Khu 11 đi thăm khu rừng keo trồng được gần 6 năm. Ảnh: K. Lực

Mỗi chu kỳ trồng rừng, thu lãi 100 triệu đồng/ha

Theo ông Phạm Văn Quế, hơn 100 hộ dân trong thôn trước đây sống chủ yếu vào làm ruộng, cấy lúa nên cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Trong khi đó, đất đồi rộng mênh mông thì bị bỏ hoang, dân không làm gì cả.

“Từ khi xã có chủ trương giao đất rừng 50 năm cho từng chủ hộ, bà con đã đưa cây lâm nghiệp vào trồng. Cây bạch đàn khoảng 5 năm thu hoạch một lần, cây keo thì 7 năm thu hoạch. Cứ một chu kỳ trồng rừng, người dân thu hoạch trên 100 triệu/ha, góp phần trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học rất tốt” – ông Quế phấn khởi nói về sự đổi thay khi người dân đầu tư vào trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong thôn.

Với hơn 2ha rừng được giao, anh Nguyễn Văn Thắng ở khu 11 đã đầu tư trồng keo cách đây gần 6 năm. Những hàng cây cao vút được trồng theo quy cách nên cây nào cây nấy đều tăm tắp. Hiện đường kính thân cây đạt khoảng 70-80cm. Do trồng rừng thu nhập cao nên gia đình anh có điều kiện để học hỏi thêm kỹ thuật, đầu tư phân bón để tạo ra hiệu quả, năng suất trồng rừng tốt hơn.

“Trồng 6-7 năm thì chặt bán, trừ chi phí đi hơn 2ha rừng thu được trên 100 triệu đồng” – anh Thắng phấn khởi cho biết.

img

Một chu kỳ trồng gần 2 ha rừng keo, anh Nguyễn Văn Thắng thu lãi trên 100 triệu đồng/ha. Ảnh: Khương Lực

Theo anh Thắng, trước đây để trồng rừng anh Thắng phải tự đào hố, rồi do giống cây kém, khi thu hoạch lại để cây tái sinh nên hiệu quả kinh tế từ rừng thấp. Nhưng do nguồn thu từ rừng trồng hiện nay cao hơn nên anh có điều kiện thuê máy múc hồ, rồi bón phân trước khi trồng nên rừng cây phát triển rất xanh tốt.

Hỗ trợ 12 triệu đồng/ha để chuyển hóa rừng gỗ lớn

Ông Phùng Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn tỉnh có trên 180.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 50.000ha rừng tự nhiên còn lại là rừng trồng. Rừng trồng ở Phú Thọ yếu là keo, bạch đàn, bồ đề, mỡ, trong đó các loại keo chiếm trên 80%.

“Mỗi năm bình quân ở Phú Thọ hiện nay trồng 10.000ha. Năng suất rừng ở Phú Thọ hiện nay đã đạt 12m3/ha/năm, tăng hơn 20% so với giai đoạn trước - bình quân chỉ đạt 10m3/ha/năm” – ông Vinh thông tin.

Hiện tỉnh Phú Thọ có rất nhiều cơ sở chế biến với trên 2.700 cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ, trong đó có gần 600 doanh nghiệp, trên 2.100 hộ cá thể, tuy nhiên nguồn nguyên liệu để phục vụ cho chế biến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ rất khó khăn. Vì thế, nhiều diện tích rừng trồng được 5-6 năm tuổi là đưa vào khai thác “non”, gia đình nào có điều kiện hơn cũng chỉ kéo dài chu kì 7-8 năm là khai thác, bởi lý do thiếu vốn, nhu cầu thị trường lại cần nguyên liệu.

img

Ông Phạm Văn Quế trò chuyện với phóng viên về hiệu quả của việc trồng rừng tại địa phương. Ảnh: Khương Lực

Trong khi đó, theo tính toán giá trị của rừng gỗ lớn cao gấp 3-4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Để nâng giá trị và năng suất rừng trồng, ngày 16/7/2019, HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Theo đó, HĐND tỉnh quy định, rừng đưa vào chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, có quy mô tập trung từ 10 haa trở lên đối với Hợp tác xã, từ 05 ha trở lên đối với tổ hợp tác, từ 03 ha trở lên đối với trang trại, hộ gia đình; có cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã, hạt Kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi.

Đổi lại, khi giữ rừng đạt 7 năm thì các tổ chức, cá nhân nhận được hỗ trợ lần 1 là 7 triệu đồng/ha; rừng đạt 10 năm tuổi thì được nhận hỗ trợ lần 2 với mức 5 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân được nhận qua chủ trương chuyển hóa rừng gỗ lớn là 12 triệu đồng/ha.

Tính đến nay, tỉnh Phú Thọ đã trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt 3.389ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn là 1.306ha, chuyển hóa kinh doanh gỗ lớn là 2.083ha. “Từ chuyển hóa rừng gỗ lớn, tới đây chúng tôi phấn đấu nâng năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm, góp phần tạo ra nguyên liệu, phục vụ cho chế biến, đồng thời qua đó nâng cao đời sống người dân trồng rừng” – ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ cũng hỗ trợ 1 lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ ha. Đến nay, đã có gần 11.000ha rừng trồng ở Phú Thọ được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có thêm 15.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem