Phân bón được chủ đại lý, nông dân tin dùng
Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Cao Bằng gieo trồng khoảng 28.449 ha cây lương thực có hạt, tổng sản lượng lương thực ước đạt 117.225 tấn. Trong đó, phấn đấu gieo trồng 24.956ha ngô, 3.510,6ha lúa; 3.306ha thuốc lá, 761ha đỗ tương, 317,7ha lạc, 350ha thạch đen...
Để kế hoạch sản xuất triển khai thuận lợi, các đơn vị, đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ nguồn hàng với nhiều chủng loại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân các địa phương.
Trong đó, các chủng loại phân bón phục vụ bón lót như lân, NPK kích thích cho cây trồng mọc đều và phát triển ổn định, đặc biệt là các cây lương thực chính (lúa, ngô) được các đơn vị kinh doanh phân bón ưu tiên nhập kho để phục vụ sản xuất.
Công nhân Công ty CP Vật tư nông nghiệp vận chuyển phân bón Lâm Thao đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Hoà An
Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Cao Bằng Nguyễn Văn Bình cho biết: Để đảm bảo vật tư nông nghiệp cho sản xuất trên địa bàn tỉnh, Công ty đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực để nhập phân bón ngay từ cuối tháng 12/2019. Đến nay, công ty đã tập kết dự trữ hơn 6.500 tấn phân bón các loại và vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý trên địa bàn để cung ứng kịp thời cho bà con. Hiện, công ty đã cung ứng được hơn 300 tấn phân đạm, 500 tấn phân NPK Lâm Thao các loại, 100 tấn phân kali, 100 tấn supe lân...
Các sản phẩm phân bón do công ty cung ứng đều được nhập trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn, các nhà máy phân bón có uy tín, thương hiệu quốc gia đảm bảo chất lượng. Được biết, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Cao Bằng cũng là đại lý độc quyền phân phối các sản phẩm phân bón của Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao (Phú Thọ).
Việc kiểm tra, giám sát các loại phân bón tại các cửa hàng, đại lý được công ty triển khai thường xuyên để đảm bảo sản phẩm không bị tăng giá, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hoặc hàng kém chất lượng trà trộn nhằm tránh gây thiệt hại cho nông dân.
Ông Bình cho biết: Cùng với việc đảm bảo nguồn phân bón cần thiết, hệ thống các cửa hàng, kho chứa tại các huyện cũng được công ty quan tâm xây dựng, cải tạo và phát triển. Hiện nay, công ty có 5 cửa hàng, 36 đại lý phân bón tại 13 huyện, thành phố và hơn 100 điểm bán lẻ của tư nhân tại các xã, thị trấn, các cụm xã...
Ngoài những phương tiện hiện có, công ty đã chủ động thuê thêm xe tải chuyên chở phân bón đến các đại lý, cửa hàng kịp thời cung ứng cho người dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai chương trình cho vay phân bón chậm trả thông qua Hội Nông dân các cấp. Từ đầu năm đến nay, công ty đã cung ứng hơn 300 tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình thức chậm trả.
Để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng, ông Bình cho biết, bà con cần chú ý khi mua phân bón nên lấy hóa đơn hoặc giấy biên nhận; lựa chọn phân bón của các công ty lớn, có thương hiệu và mua tại các đại lý bán hàng có uy tín; lưu giữ bao bì sản phẩm và mẫu phân bón sau khi sử dụng. Khi bón thấy phân không tan, bị vón cục, có màu sắc không đặc trưng phải ngừng sử dụng và báo với cơ quan chức năng.
: Cán bộ Công ty CP Vật tư nông nghiệp Cao Bằng kiểm tra số lượng phân bón cung ứng cho nông dân. Ảnh: T.L
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tại thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An) cho biết: “Hằng năm, vào đầu vụ sản xuất nhu cầu sử dụng các loại phân bón của người dân thường tăng cao. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2019, cửa hàng đã chuẩn bị nguồn tài chính, lựa chọn những đơn vị sản xuất phân phối có uy tín, chất lượng để hợp đồng mua phân bón, trong đó có phân bón Lâm Thao. Ngoài những khách hàng lẻ mua phân bón trực tiếp tại cửa hàng, chúng tôi còn bố trí xe vận chuyển phân bón đến trụ sở các xã để nông dân nhận hàng thuận lợi, nhanh chóng”.
Tập trung nâng cao chất lượng phân bón
Là một trong những hội viên nông dân tỉnh Hòa Bình được mua phân bón Lâm Thao theo hình thức chậm trả, ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn cho biết: “Trước đây, khi vào vụ sản xuất, nông dân chúng tôi phải lo rất nhiều chi phí như thuê máy làm đất, tiền cây giống, đặc biệt là tiền mua phân bón. Khi địa phương triển khai chương trình mua phân bón theo hình thức chậm trả, gia đình tôi đã đăng ký ngay để yên tâm đầu tư sản xuất, giúp việc canh tác đạt hiệu quả cao hơn”.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết: Chương trình cung ứng phân bón chậm trả vừa tạo điều kiện cho hội viên và nông dân phát triển sản xuất, tích cực đầu tư giống mới trong gieo trồng, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới vừa giúp bà con tiết kiệm chi phí do mua được phân bón bảo đảm chất lượng; đồng thời là động lực để thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Qua thực tế sản xuất, bà con nông dân luôn yên tâm về chất lượng các loại phân bón do Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao cung ứng, lại được thanh toán chậm với giá ngang bằng hoặc rẻ hơn giá ngoài thị trường. Cách làm này giúp bà con được sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, bớt nỗi lo mua phải phân bón nhái, phân bón giả và kém chất lượng.
Được biết, trong năm 2019, Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao tập trung đầu tư cung ứng phân bón chậm trả cho nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình,… với số lượng 2.813,4 tấn phân bón các loại, trị giá trên 14 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Cao Bằng đã cung ứng hơn 28.000 tấn phân bón các loại phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh, doanh thu đạt hơn 179 tỷ đồng. Trong đó có hơn 1.017 tấn phân Supe lân Lâm Thao, 6.847 tấn phân bón NPK Lâm Thao (5.10.3), 3.950 tấn phân bón NPK Lâm Thao (12.5.10)... và một số sản phẩm phân bón khác. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.