Sụt lún đất đang nhanh hơn nước biển dâng, ĐBSCL cần có kế sách ứng phó trong 100 năm tới
Sụt lún đất đang nhanh hơn nước biển dâng, ĐBSCL cần có kế sách ứng phó trong 100 năm tới
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 15/05/2024 14:33 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, ở ĐBSCL, sụt lún đất nhanh hơn nước biển dâng gấp nhiều lần. Tình trạng này làm cho hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm ngày càng trầm trọng thêm, cần có kế sách ứng phó dài hạn.
Hôm nay 15/5, tại TP.Cần Thơ, Báo Sài gòn Giải phóng tổ chức hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL". Tại đây, nhiều đại biểu là chuyên gia cho rằng, sụt lún đất ở ĐBSCL là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi nó cao hơn nước biển dâng gấp nhiều lần.
Tình trạng này làm cho hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm ngày càng trầm trọng thêm, đặc biệt là vào mùa khô. Chưa dừng lại ở đó, việc sụt lún đất ngày càng tăng còn làm tăng ngập và khó tiêu thoát nước.
"Đồng bằng đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, đặc biệt là sụt lún đất, hạ thấp với mức độ rất nghiêm trọng" - ông Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nói.
Vì vậy, theo ông Hoằng, trong thời gian tới, cần có giải pháp hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm ở các địa phương, thay vào đó là làm công trình trữ nước, trữ nước trong mương vườn, kênh rạch. Đồng thời, trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn đến từ Đại học Cần Thơ thì cho biết, nước biển dâng và sụt lún đồng bằng khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn xâm nhập sâu hơn trong mùa khô, đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El Nino.
Cũng như Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ông Tuấn đề xuất chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL là hạn chế khai thác nước ngầm. Cùng với đó là giảm diện tích lúa, chuyển sang thủy sản rau màu và cây ăn trái để tiết kiệm nước.
Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt.
PGS.TS Phan Thanh Bình - Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, ông là người sinh ra lớn lên ở ĐBSCL và từng có thời gian tham gia nhiều dự án, nghiên cứu về giải pháp ứng phó với tình trạng ở vùng này.
"Theo các số liệu thống kê và ý kiến các đại biểu cho thấy, ở ĐBSCL, tốc độ sụt lún cao gấp 10 lần nước biển dâng. Nguyên nhân sụt lún là do mình, bởi đây là vùng đất mới, đất bồi, nền móng yếu, nếu không giữ được nước, không giữ được trầm tích thì nó sẽ lún" - ông Bình phân tích.
Ông Bình cho rằng, thời gian qua, việc ứng phó những vấn đề của ĐBSCL, trong đó có sụt lún đất là "chậm". Trong thời gian tới, những giải pháp mà ngành chức năng các địa phương cũng như các bộ ngành đưa ra, không nên chỉ để giải quyết trong thời gian ngắn mà phải có "kế sách trăm năm".
"Thời gian qua, đã có nhiều chính sách nhưng phải toàn diện và khoa học. Giải pháp phải căn cơ, lâu dài, hướng đến phát triển bền vững" - ông Bình nói thêm.
Tại hội thảo, ông Đặng Văn Ngọ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cho biết, hệ thống cấp nước của công ty gồm nước ngầm và nước mặt. Về nước ngầm, thực tế đang cạn kiệt. Trước đây, phía công ty khoan khoảng 30m là có nước, nhưng nay phải sâu hơn, chưa kể nước có lẫn nhiều tạp chất. Gần như các tỉnh từ Trà Vinh, đến Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều phải sử nước ngầm và bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước sụt giảm, cùng với đó là hiện tượng sụt lún,...
Vì vậy, cần phải có giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt. Riêng nguồn nước mặt, theo ông Ngọ, ở ĐBSCL, nên chăng phải đầu tư tất cả công trình ngăn nước ngọt đưa ra biển và không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng trong mùa khô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.