Syria: Nông dân ngã gục trước 2 cuộc chiến

Thứ sáu, ngày 13/09/2013 06:40 AM (GMT+7)
Làng mạc tan hoang, những cánh đồng khô cằn vì hạn hán... đó là tình cảnh ở nông thôn Syria bây giờ. Nam giới- lực lượng lao động chính chuyên canh tác nông nghiệp đã trở thành những người lính cầm súng đạn, gậy gộc. Gánh nặng sinh kế dồn lên vai những người phụ nữ...
Bình luận 0
Cuộc chiến thứ nhất

Từ ngày xảy ra cuộc nội chiến giữa quân Chính phủ Syria và phe đối lập, chồng và người con trai cả của Femina bị bắt đi lính, chị vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ để cáng đáng gia đình với 4 miệng ăn còn lại.

Femina kể rằng, khi đêm đến, nỗi sợ hãi chiến tranh bao trùm làng quê, thi thoảng đâu đó, những tiếng khóc than của những người vợ có chồng bị phe đối lập bắt đi làm lính trong đêm, nghe rất não nề... Nỗi ám ảnh về chết chóc, đói nghèo vây bủa, nỗi lo sợ thành góa phụ... như chất chồng, khiến người dân nông thôn Syria bi quan cùng cực.

Nhiều người dân mất nhà, phải dựng lều bạt sống giữa cánh đồng trơ trọi.
Nhiều người dân mất nhà, phải dựng lều bạt sống giữa cánh đồng trơ trọi.

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua và đang diễn ra khốc liệt đã đặt bao số phận con người ở Syria phải đối mặt với cái chết, với sự tàn phá và mất mát lớn. Chiến tranh không phân biệt nông thôn với thành thị. Khi chiến sự diễn ra ác liệt ở thành thị, thì những vùng nông thôn biến thành các điểm chạy lánh nạn của người dân thành phố. Khi chiến sự len về vùng nông thôn, thì nơi đây biến thành những vùng đất chết chóc và hoang tàn bởi đạn pháo.

Trong nhiều tháng qua, các khu vực nông thôn ở phía tây của Homs đã trở nên biến dạng, khi những cuộc đụng độ tăng lên rất nhiều và phe đối lập bị dồn vào thế yếu. Cuộc nội chiến ở Syria đã buộc hầu hết người Syria tham gia vào cuộc chiến giết chóc lẫn nhau khiến hơn 100.000 người thiệt mạng tính đến nay. Những vùng nông thôn đã trở thành điểm lý tưởng để lực lượng nổi dậy trú quân, đây cũng là nơi diễn ra những cuộc lôi kéo lực lượng âm thầm nhưng khốc liệt giữa hai phe là đội quân theo dòng Alawite của Tổng thống Assad và quân nổi dậy Sunni - đa số muốn đấu tranh để lật đổ ông Assad.

“Theo bên này, thì sợ bên kia”, đó là tâm lý chung của rất nhiều ngôi làng ở Syria. Làng Al-Zara (phía tây tỉnh Homs) cũng có cách xử lý riêng của mình. Ban ngày, làng này trông giống như một vùng đất trung thành, trường học mở rộng cửa, với những cột cờ tung bay trong gió và hình ảnh ông Assad được treo gọn gàng, trang nghiêm... Nhưng khi đêm đến, Al-Zara biến thành điểm trung chuyển, buôn lậu thực phẩm, thuốc men và vũ khí của quân nổi dậy. “Mọi người đều biết điều đó, nhưng đấy là thực trạng của nhiều tháng trước đây, còn bây giờ, quân đội Chính phủ đang thắng thế, những ngôi làng ở đây phải đứng trước sự lựa chọn: Đầu hàng hoặc bị nghiền nát”, Salem- một công nhân xây dựng cho biết.

Và thực tế khi nhiều người ở đây đang cảm thấy quân đội có khả năng giành chiến thắng, những ngôi làng của người dân tộc thiểu số lại quay qua hỗ trợ chiến đấu cùng với phe của ông Assad, đổi lại người dân sẽ được nhận thực phẩm, thuốc men - những thứ mà đối với họ đang xa xỉ hơn bao giờ hết.

Nhưng không ai chắc chắn được rằng, theo phe quân đội, tính mạng của họ sẽ được đảm bảo. Và không ai có thể trả lời được rằng, khi nào cuộc nội chiến đã cướp đi cuộc sống yên bình, cướp đi những người thân yêu, phá hủy nhà cửa, mùa màng của họ, sẽ kết thúc.

Cuộc chiến thứ hai

“Thượng Đế như đang tiệt đường sống của chúng tôi!” - bà Amatullah, một nông dân ở phía bắc Aleppo than vãn về nỗi thống khổ vừa bị chiến tranh, vừa bị thiên tai tàn phá mùa màng. Những người nông dân nghèo khổ này cho rằng, tình trạng hạn hán kéo dài này là hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Sự tác động của nó cũng không khác gì một cuộc chiến mà họ đổ lỗi rằng, chính ông Assad đã thất bại trong cuộc chiến biến đổi khí hậu này. “Ông ấy (Assad) chỉ lo giữ quyền lực, ông ấy chỉ nghĩ đến đánh nhau mà lơ là việc đối phó với biến đổi khí hậu để rồi chúng tôi là những người lĩnh đủ hậu quả...” - bà Amatullah nói với giọng phẫn nộ.

Ngày 12.9, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo rằng, mọi cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria mà không được Liên Hợp Quốc thông qua có thể gây bất ổn tình hình khu vực và dẫn tới một làn sóng khủng bố mới. Báo Nga cũng cho biết, Nga đã trao cho Mỹ bản kế hoạch 4 bước để Chính phủ Syria thực hiện giao nộp các vũ khí hóa học gồm: Syria gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW); Công bố vị trí của các kho vũ khí hóa học và nguồn gốc xuất xứ của chúng; Cho phép các thanh sát viên OPCW tới Syria kiểm chứng; Hợp tác với các thanh sát viên về cách thức tiêu hủy vũ khí hóa học.


Hạn hán kéo dài tồi tệ đã khiến 60% diện tích đất nông nghiệp ở Syria bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với việc quản lý yếu kém nguồn tài nguyên thiên nhiên của chế độ Assad, kỹ thuật tưới tiêu không bền vững đã khiến một lượng lớn nông nghiệp bị tàn phá.

Thống kê của các nhà hoạt động xã hội ở Syria đã đưa ra một con số khá đáng sợ: Phần lớn nông dân và những người chăn nuôi ở phía bắc và phía nam Syria đã phải bỏ xứ ra đi. Gần 75% nông dân ở phía đông bắc bị mất mùa. Người chăn nuôi ở phía đông bắc bị mất khoảng 85% gia súc.

Samir Aita- một nhà kinh tế học của Syria cho rằng: “Hạn hán không gây ra cuộc nội chiến ở Syria, nhưng sự thất bại của Chính phủ để đối phó với hạn hán đã góp một phần lớn trong việc thúc đẩy các cuộc nổi dậy”.

Quang Minh (Quang Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem