Nhận định trên trang web của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) mới đây, nhà bình luận, nhà báo tự do Milàn Czerny hiện làm việc tại Tel Aviv (Israel) cho rằng, Israel là một đối tác quan trọng của Nga ở Trung Đông, nhưng trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza và việc Moskva nối lại quan hệ với Hamas cũng như tăng cường liên kết với Iran, mối quan hệ giữa Tel Aviv và Moskva đang ở mức thấp nhất trong lịch sử gần đây. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực lâu dài của Nga nhằm thể hiện mình là một trung gian hòa giải trung lập ở Trung Đông.
Trong khi Israel và Liên Xô không có quan hệ ngoại giao trong nhiều thập kỷ sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967, trong đó Liên Xô ủng hộ các quốc gia Arab, mối quan hệ giữa Nga và Israel phần lớn đã được cải thiện vào đầu thế kỷ này. Hai nước thậm chí còn trở nên thân thiết hơn trong thập kỷ qua dưới thời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã củng cố mối quan hệ của Tel Aviv với Moskva thông qua việc thể hiện là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Năm 2019, ông Netanyahu thậm chí còn phát động chiến dịch tranh cử với những tấm áp phích lớn in hình ông bắt tay Tổng thống Nga. Ông Netanyahu tìm cách thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có cùng quan điểm với Tổng thống Putin - được Israel coi là người đứng đầu một cường quốc - và truyền tải thông điệp rằng mối quan hệ chặt chẽ của ông với người đứng đầu Điện Kremlin sẽ giúp đảm bảo an ninh của Tel Aviv sau sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria năm 2015.
Nhà lãnh đạo Israel từ lâu đã thể hiện rằng “tình bạn cá nhân” của ông với Tổng thống Putin là chìa khóa để đảm bảo sự hỗ trợ hạn chế của Nga dành cho Iran và khiến Moskva "nhắm mắt làm ngơ" trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Syria.
Không giống như các quốc gia phương Tây khác, Israel về cơ bản không thay đổi cách tiếp cận với Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Israel không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt tài chính nào đối với Nga, từ chối gửi vũ khí cho Kiev bất chấp yêu cầu nhiều lần từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Israel không muốn cắt đứt quan hệ với Nga, thậm chí còn bắt đầu áp dụng cách tiếp cận hợp tác vào nửa cuối năm 2023 bằng cách ký kết các thỏa thuận song phương mới trong các lĩnh vực không nhạy cảm, chẳng hạn như lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, Israel trở thành một trong số ít đồng minh của Mỹ sẵn sàng hợp tác ngoại giao và kinh tế với Nga, điều này giúp hạn chế sự cô lập của phương Tây nhằm vào Moskva. Israel trở thành nước nhập khẩu rượu vodka của Nga lớn nhất sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt; các công ty Nga như Yandex mở rộng hoạt động tại Tel Aviv; và các cá nhân Nga bị trừng phạt được hưởng lợi từ các giấy tờ mới có được từ Israel để được miễn thị thực tới châu Âu.
Nga cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Israel khi nước này tìm cách vun đắp mối quan hệ với tất cả các bên ở Trung Đông sau sự can thiệp vào Syria vào năm 2015. Bất chấp những nguồn căng thẳng thỉnh thoảng xuất hiện, chẳng hạn như vụ máy bay Nga bị bắn rơi năm 2018 trong các cuộc tấn công của Israel, Moskva đã duy trì đối thoại với cả Israel và các đối thủ của nước này: Iran, Hamas, Hezbollah và Syria. Hành động cân bằng này giúp Nga khẳng định vị thế và thể hiện mình là một cường quốc cũng như trung gian hòa giải không thể thiếu ở Trung Đông.
Israel đã chấp nhận mối quan hệ từ trước của Nga với đối thủ của họ là Iran, nước được cho là ủng hộ Hamas, nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ của Moskva dành cho Hamas sau cuộc tấn công vào ngày 7/10 được coi là một bước đi quá xa. Sau chuyến thăm Moskva của lãnh đạo Hamas, các quan chức Israel đã bày tỏ sự không hài lòng.
Trong khi đó, Nga cũng chỉ trích Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) về các hành động quân sự của Tel Aviv ở Gaza, với việc đại diện của Moskva tại LHQ Vasily Nebenzya đặt câu hỏi về quyền tự vệ của Israel. Ngược lại, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho rằng Nga sử dụng cuộc tấn công của Hamas “để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi cuộc xung đột ở Ukraine”.
Cùng với đó, Israel đang liên kết chặt chẽ nhất có thể với Mỹ và phương Tây nói chung, và do đó càng "xa cách" với Nga hơn. Trong những năm gần đây, ông Netanyahu đã tìm cách miêu tả Israel như một chủ thể độc lập và thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có khả năng duy trì liên lạc đồng thời với các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Nhưng sự hỗ trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu dành cho Israel kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Gaza đang củng cố quan điểm ở Israel rằng khi gặp khó khăn, chỉ có phương Tây mới thực sự hỗ trợ họ.
Do đó, Israel sẽ tìm cách tránh những bất đồng với Mỹ và phương Tây trên trường quốc tế để duy trì sự ủng hộ này trong suốt thời gian họ tiến hành chiến dịch quân sự kéo dài ở Gaza. Ví dụ, vào ngày 16/11, các ngân hàng Israel đã đưa ra các hạn chế đối với tài khoản của công dân Nga theo hướng dẫn của EU.
Tuy nhiên, Israel vẫn chưa đề cập đến việc đánh giá lại chính sách của mình đối với Ukraine trong việc cung cấp vũ khí hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Israel cũng khó có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước khác khi cuộc chiến của chính họ chưa kết thúc. Israel có lẽ cũng không muốn chấm dứt hoàn toàn đối thoại với Nga, điều có thể dẫn đến nguy cơ Moskva cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho những đối thủ của Israel.
Về phần mình, Nga dường như cũng không muốn cung cấp vũ khí tấn công cho các đối thủ của Israel vì rõ rằng đây sẽ là vấn đề khiến cho mối quan hệ với Israel càng trở nên trầm trọng.
Tóm lại, mặc dù mối quan hệ song phương vẫn không bị cắt đứt, nhưng việc quan hệ giữa Nga và Israel nguội lạnh đột ngột có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Israel đã ngừng đưa ra cảnh báo trước cho Nga trước các cuộc không kích mà nước này thực hiện ở Syria, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu vô tình giữa hai bên.
Tất nhiên, ảnh hưởng của Nga trong khu vực không chỉ giới hạn ở mối quan hệ với Israel, nhưng những căng thẳng trong mối quan hệ đó nhấn mạnh thực tế là Moskva, vốn đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine, có thể mất đi đòn bẩy trong việc tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.