Tác nghiệp trận Việt Nam vs Australia: Tất cả phải tuân thủ 1 nguyên tắc

Thứ ba, ngày 07/09/2021 12:40 PM (GMT+7)
Tối 7/9, trận Việt Nam vs Australia là trận sân nhà đầu tiên của thầy trò HLV Park Hang-seo ở vòng loại thứ ba World Cup. Trận đấu này diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Để đảm bảo an toàn, ngoài việc không đón khán giả vào sân, tất cả thành viên có liên quan đến công tác tổ chức trận đấu đều phải tuân thủ quy tắc "bong bóng" của AFC. Quy tắc này yêu cầu mọi người chỉ di chuyển trong phạm vi khép kín (từ khách sạn đến sân tập, sân thi đấu và quay về).

Xe chuyên trách phục vụ di chuyển sẽ được bố trí để đảm bảo không ai được tiếp xúc với người bên ngoài vài ngày trước, trong và sau thời điểm diễn ra trận đấu.

Những người phải vào bong bóng bao gồm thành viên 2 đội tuyển Việt Nam và Australia, quan chức AFC và FIFA, đội ngũ trọng tài, thành viên 2 liên đoàn bóng đá, đối tác tài trợ, đội ngũ truyền thông của AFC và một số nhân viên thuộc đài truyền hình bản quyền.

Theo tìm hiểu của Zing, nhóm này có số lượng khoảng 150 người, đã được VFF bố trí khách sạn để đi vào "bong bóng", làm việc theo quy trình đặc biệt từ nhiều ngày trước trận đấu. Tất cả đều được kiểm tra Covid-19 thường xuyên.

Quy trình tác nghiệp trận Việt Nam vs Australia: Phải tuân thủ 1 nguyên tắc - Ảnh 1.

Công tác tổ chức trên sân Mỹ Đình được yêu cầu phải đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam vào vòng loại thứ ba World Cup, cũng là lần đầu tiên sau gần 2 năm sân Mỹ Đình mới đăng cai tổ chức trận đấu quốc tế. Vì vậy, trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Australia có tính chất đặc biệt. AFC và FIFA nắm quyền điều hành trận đấu, và họ đề ra những chuẩn mực cao. VFF có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ trận đấu.

Với VFF, đây là trận đấu đẳng cấp nhất của tuyển Việt Nam mà họ từng tham gia tổ chức. Khối lượng công việc rất lớn, nhưng điều kiện phòng chống dịch hiện tại không cho phép VFF tuyển lực lượng cộng tác viên tham gia công tác điều phối. Vì vậy, nhiều nhân viên liên đoàn phải làm khối lượng công việc gấp 3-4 lần so với trận đấu quốc tế bình thường.

Với phóng viên Việt Nam, việc tác nghiệp trận đấu cũng phải tuân theo những quy tắc khắt khe để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Buổi họp báo chính thức trước trận đấu giữa hai đội tuyển Việt Nam và Australia diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm 6/9 là điều chưa từng có tiền lệ khi tuyển Việt Nam được chơi trên sân nhà.

So với những trận đấu trước đây, số phóng viên được đăng ký tác nghiệp tại trận đấu của tuyển Việt Nam lần này đã được hạn chế tối thiểu. Thông thường, VFF cho phép 35 phóng viên ảnh và 20 phóng viên viết tham gia các trận đấu tại sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, quan chức AFC yêu cầu VFF giảm xuống còn 30 phóng viên ảnh và 11 phóng viên viết.

Quy trình tác nghiệp trận Việt Nam vs Australia: Phải tuân thủ 1 nguyên tắc - Ảnh 2.

Các phóng viên phải trải qua quy trình kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt. Ảnh: Minh Chiến.

Trước đây, các phóng viên đến sân Mỹ Đình được làm việc linh hoạt trong nhiều vai trò ở trên sân và phòng họp báo. Còn bây giờ, họ phải thích nghi với quy tắc tác nghiệp chuẩn quốc tế, rằng mỗi phóng viên chỉ được hoạt động đúng với công việc được đăng ký trên thẻ. Quy định này gây ra không ít khó khăn cho các tòa soạn trong việc phân công và cử phóng viên đi làm nhiệm vụ.

Theo AFC, các phóng viên ảnh sẽ phải bốc thăm ngẫu nhiên để có vị trí ngồi trên sân thay vì tự do như trước. Điều này tạo sự cạnh tranh công bằng, nhưng quy định về giãn cách cũng khiến một số phóng viên ảnh phải chịu thiệt thòi, khi họ phải ngồi ở những vị trí quá xa khung thành như khán đài.

Với phóng viên nước ngoài, việc tác nghiệp tại Việt Nam cũng khó khăn. Theo tìm hiểu của Zing, nhiều phóng viên Australia không thể nhập cảnh được vào Việt Nam, nên có khoảng 2-3 người có mặt tác nghiệp trận đấu.

Điều này rất khác so với trận đấu tầm cỡ châu lục trước đó, khi mỗi trận sân khách của những đội tuyển hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thường có hàng chục phóng viên nước bạn đến tác nghiệp.

Một số nhân viên của các đài truyền hình bản quyền cũng đã đi vào "bong bóng" từ vài ngày trước trận đấu để chuẩn bị cho công tác hình ảnh nhằm hỗ trợ nhóm trọng tài video. Đây là lần đầu tiên truyền hình Việt Nam được tiếp cận, làm quen với công nghệ mới: VAR (Video Assistant Referee).

Tất cả phóng viên đều được VFF hỗ trợ kiểm tra Covid-19 tới 3 lần xung quanh thời gian diễn ra trận đấu. Lần thứ nhất vào ngày 6/9, một ngày trước trận, lần thứ hai lúc 22h ngày 7/9, sau khi trận đấu kết thúc và lần thứ ba diễn ra vào khoảng 2 tuần sau trận đấu.

Đây là cách để VFF đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức trận đấu, cho sức khỏe của không chỉ cầu thủ, quan chức bóng đá Việt Nam mà cả Australia cũng như AFC.

Xuân Trường: "ĐT Việt Nam muốn giành thật nhiều điểm" 


Bảo Ngọc - Minh Chiến (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem