Tái định cư trong các dự án thủy điện: Người dân thiếu đủ thứ

Thứ sáu, ngày 01/04/2011 20:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều khu tái định cư (TĐC) ở ngay chân nhà máy thuỷ điện mà người dân vẫn chưa có điện dùng, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sạch...
Bình luận 0

Đây là phác thảo của một khu TĐC được đưa ra tại Hội thảo “TĐC trong các dự án thuỷ điện” diễn ra ngày 30.3 tại Hà Nội.

Ở nơi mới, về nơi cũ canh tác

img

Nhiều học sinh bản Tả Van, xã Nậm Mạ, Sìn Hồ, Lai Châu đang phải học dưới gầm sàn nhà dân trong điều kiện thiếu điện.

Theo ông Nguyễn Văn Niệm – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum), khu TĐC trên địa bàn xã có 749 hộ nhưng hiện vẫn còn 320 hộ hàng ngày phải đi lấy từng gùi nước sạch về sinh hoạt.

“Ngay cạnh khu vực tái định cư có nguồn nước suối tự chảy, nhưng do không khảo sát, nhà đầu tư lại “ném tiền” vào 749 cái giếng để vào mùa khô bỏ không”- ông Niệm nói. Theo ông Niệm, nơi ở cũ nhà nào cũng có hàng hécta đất canh tác, tới nơi TĐC mỗi hộ chỉ có 60m2 đất ở, nhiều nhà đông người nên phải ngủ cả dưới đất.

Bà Lê Thị Nguyện- Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, hiện còn hơn 100 hộ dân tộc Catu ở bản TĐC Phú Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc vẫn chưa được cấp đất như thoả thuận. Ngày nào họ cũng phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ để đến nơi ở cũ canh tác. Tại huyện Hương Trà (Thừa Thiên- Huế), có 3 khu TĐC là Hoà Bình, Hoà Thành và Bình Dương, trong đó, khu TĐC Hoà Bình được xem là một trong những khu dân cư sầm uất nhất, nhưng trong số 79 hộ còn tới 70 hộ nghèo. Ông Nguyễn Chua– Trưởng thôn Hoà Bình cho biết: “Mặc dù nơi ở mới hạ tầng đầy đủ hơn, nhưng lại thiếu đất sản xuất”.

Theo bà Nguyệt, vì thiếu đất sản xuất, nuôi lợn rau cũng phải đi mua nên họ đành bỏ trống chuồng. Nhiều hộ TĐC được đền bù tới 500 triệu đồng nhưng không được hướng dẫn sử dụng nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chính sách tới hiện thực còn khoảng cách

TĐC của nhiều dự án thuỷ điện hiện nay chỉ nhằm vào lợi ích cục bộ, trước mắt, địa phương nào cũng có thuỷ điện sẽ có tác động tiêu cực cộng hưởng. Việc lựa chọn phương án TĐC mang tính áp đặt, hình thức dẫn tới cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn, nhiều người không chống chọi được đã phải quay lại nơi ở cũ gây tốn kém cho việc thực hiện TĐC lần 2, lần 3.

Theo kết quả khảo sát về “Đời sống dân cư lòng hồ, vấn đề rút ra từ thực trạng sau 30 năm TĐC thuỷ điện Hoà Bình” của nhóm nghiên cứu đứng đầu là TS Lê Thành Ý- thuộc tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Thuỷ điện Hoà Bình là công trình TĐC lâu dài nhất, nhưng hiện nay người dân vẫn cực khổ.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối 2007 có giảm so với năm 1995, nhưng vẫn còn khoảng 34%, thu nhập đầu người mới đạt khoảng 280 nghìn đồng/tháng. 94% hộ khu TĐC làm nông nghiệp nhưng đất sản xuất ít nên hàng năm người dân vẫn phải vay tiền ngân hàng để mua lương thực. Hệ thống giao thông chỉ sau thời gian ngắn xây dựng đã xuống cấp, nên khó đi đến các xã, đặc biệt là vào mùa mưa.

Thạc sĩ Phạm Quang Tú– Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho biết, theo nghiên cứu của Viện, từ năm 1995- 2009, có 22 công trình thuỷ điện trọng điểm đã xây dựng, với tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình là 81.622ha và 49.785 gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tổng dự toán đã duyệt để thực hiện di dân lên tới hơn 16.954,8 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã TĐC được khoảng 21.580 hộ, với trên 103.434 khẩu, đạt 54%. Những năm gần đây, chính sách TĐC đã có thêm nhiều quyền lợi cho người dân về tiền đền bù đất, nơi ở, y tế, giáo dục… nhưng từ chính sách tới hiện thực lại là cả vấn đề.

Việc xây dựng TĐC chủ yếu theo hình thức “chìa khoá trao tay”, chính quyền giao hết cho doanh nghiệp dẫn tới xây dựng càng nhỏ, chi phí càng ít doanh nghiệp càng có lợi nhuận cao, và chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân.

Để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân TĐC, CODE đã đưa ra kiến nghị: Cần có chính sách bồi thường các thiệt hại cả trực tiếp và vô hình, về đất đai, cơ sở hạ tầng, điện, nước và đời sống tinh thần người dân được đảm bảo; mức hỗ trợ về lương thực tối thiểu là 5 năm, các kiến thức khuyến nông 10 năm để người dân TĐC có thời gian ổn định cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem