Tái định cư vỡ trận, dân lâm cảnh lận đận

Thứ ba, ngày 27/03/2018 06:11 AM (GMT+7)
Thiệt hại về việc dôi dư 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư (TĐC), theo kiểm toán, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Hậu quả thiệt hại này do cách làm của cơ quan chức năng, nhưng họ đổ là do khách quan.
Bình luận 0

Nguyện vọng của dân không được lắng nghe

12.500 căn hộ TĐC ở khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, theo báo cáo, chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Đến cuối năm 2016, TP.HCM mới chỉ mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí TĐC. Tương tự, ở khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, đến cuối tháng 11.2017 mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, yêu cầu các chủ đầu tư điều chỉnh báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo kết luận này. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính với tổng số tiền hơn 238 tỉ đồng.

Bà Hiền, một hộ dân quyết không về khu TĐC Vĩnh Lộc B, vì không biết ở đó làm gì để kiếm sống. Bà nói: “Khi tiến hành giải toả đền bù và TĐC, họ đâu có tính toán và nghe nguyện vọng chính đáng của tôi đâu!” Trước kia bà Hiền bám vào chợ Nancy, quận 1, chuyên nghề mua bán rau, để nuôi gia đình, sao có thể về Vĩnh Lộc B được. Bà bày tỏ: “Thời đó chúng tôi góp ý và đề đạt nguyện vọng nhiều lắm, họ ghi đó nhưng đâu có coi nguyện vọng của chúng tôi ra gì… Tóm lại, địa phương muốn nhanh giải toả hết để lập công theo tiến độ; cấp cao hơn vì thành tích mà rầm rập xây nhà, bỏ qua nguyện vọng thực sự của người dân, hoặc ghi chép cho có”.

img

Khu căn hộ tái định cư Bình Khánh quận 2 hoàn toàn không thấy bóng người. Ảnh: TL

Khác với bà Hiền, ông Dũng cho rằng tuổi ông đã cao, nhưng TĐC trên lầu 5 đi thang bộ và nhà ông có gần chục nhân khẩu mà bố trí căn hộ 40m2, nên ông không nhận. Giải thích việc trước đây nhận bây giờ không nhận, ông Dũng nói, trước không nhận là không được, bởi họ nói đó là chủ trương, chỉ có quyền chọn một trong hai là lấy tiền hay căn hộ. Tiền lúc đó lấy ra đâu đủ mua được cái gì, cầm là xài hết nên đành phải nhận. Các hộ dân được TĐC ở Bình Khánh cũng đều nói tiền đâu mà mua căn hộ TĐC giá cao, nên đành chịu chết. Hàng loạt hộ dân không về Vĩnh Lộc B, thà ở nhà thuê hơn là nhận căn hộ vừa “ổ chuột” vừa xa và quan trọng là không tìm được kế sinh nhai.

Đổ hết “tội” cho chính sách

Trước thực trạng hơn 14.000 căn hộ, nền đất TĐC dôi dư, sở Xây dựng TP.HCM cho rằng một phần sẽ dành để giải quyết các nhu cầu cấp bách cho các hộ bị thiên tai, biến thành nhà ở xã hội và chủ yếu là sẽ biến thành các căn hộ thương mại. Từ đây, hàng loạt câu hỏi nghi ngờ được đặt ra, nhưng tựu trung vẫn vì quá ưu ái cho các chủ đầu tư xây dựng căn hộ TĐC? Trả lời câu hỏi này, trong buổi họp báo định kỳ mới đây của sở Xây dựng TP.HCM, lãnh đạo sở này cho rằng: UBND TP.HCM không có chủ trương dùng quỹ đất TĐC để làm nhà ở thương mại, trục lợi ngân sách.

Đặc biệt, lãnh đạo sở Xây dựng nói việc thừa căn hộ TĐC là do yếu tố khách quan, do chính sách và pháp luật quy định của từng thời kỳ.

Cụ thể, năm 1998 kéo dài đến năm 2007, TP.HCM thực hiện TĐC theo nghị định 22. Khi giải toả, nhà nước đền bù theo giá đền bù hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn, nên người dân chọn phương án đó để bán lại cho người khác kiếm lời. Căn hộ TĐC lúc đó thiếu trầm trọng. Vì vậy, lãnh đạo UBND TP.HCM nhanh chóng đầu tư khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu 12.500 căn tại Thủ Thiêm, quận 2, với ý nghĩa giải quyết nhu cầu TĐC, cũng như hình thành các khu nhà ở bảo đảm hạ tầng. Tuy nhiên, ít năm sau, chính sách lại thay đổi. Lúc này, theo quy định pháp luật, giải toả phải bồi thường theo giá trị thị trường. Như vậy, việc nhận tiền có lợi hơn nhận căn hộ, dẫn đến việc dư các khu TĐC.

Trả lời câu hỏi biến nhà TĐC thành nhà ở thương mại, liệu có trục lợi từ chính sách hay không. Lãnh đạo sở Xây dựng tiếp tục khẳng định không có tư tưởng trục lợi việc này. Và tiếp tục viện dẫn, tại khu TĐC 12.500 căn hộ ở Thủ Thiêm, chính quyền thực hiện theo hai hình thức: bỏ vốn ngân sách để đầu tư hoặc ký hợp đồng liên doanh với tư nhân. Từ đó, chủ đầu tư xây dựng rồi bán lại cho nhà nước. Tóm lại, các căn hộ đề xuất hoán đổi thành nhà thương mại là những căn hộ vốn của tư nhân. Trong bối cảnh người dân không vào ở, UBND TP.HCM đã đề nghị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, cho hoán đổi đấu giá để doanh nghiệp thu hồi vốn. Đây là tài sản của tư nhân không phải của nhà nước (?!)

Tuy nhiên, giám đốc sở Xây dựng lại cũng thừa nhận chuyện dư thừa và hoang tàn khu TĐC Vĩnh Lộc B, đã để lại bài học xương máu về công tác giải toả, đền bù. Bởi lúc đó, chúng ta không tính đến việc người dân quận 1, quận 6 khi về Bình Chánh làm nghề gì để sống.

Bình luận về việc chuyển căn hộ TĐC ở quận 2 sang nhà ở thương mại, các chuyên gia kinh tế khẳng định, đó chỉ là động thái hoàn toàn có lợi cho các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, còn ngân sách nhà nước không hưởng lợi gì ngoài phần thuế và phần này không nhiều. Trong khi kết luận của kiểm toán là lãng phí hàng ngàn tỉ đồng.

        

Giang Thanh – Hải Phong (Thế giới tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem