Theo danh sách tỷ phú USD của Forbes hiện tại, Việt Nam đóng góp 3 cái tên đó là: ông Phạm Nhật Vượng ( Chủ tịch Vingroup, tài sản 7,4 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ Vietjet Air, tài sản 3,1 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco Trường Hải, tài sản 1,8 tỷ USD).
Bloomberg: ông Nguyễn Đăng Quang là tỷ phú USD mới của Việt Nam
Ngoài những gương mặt trên theo cách tính toán của Forbes, cuối năm 2018, một hãng tin tài chính uy tín khác là Bloomberg đã ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD mới của thế giới và là một trong số 2 tỷ phú USD mới của khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan
Tập đoàn Masan hiện là một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến thời điểm 19/2, vốn hóa của ông trùm hàng tiêu dùng này đã đạt mức 100.000 tỷ đồng. Nếu so với các doanh nghiệp khối tư nhân, Masan lớn hơn rất nhiều so với Vietjet Air, Novaland, Hòa Phát và chỉ kém Vingroup, Vinhomes.
Ông Nguyễn Đăng Quang hiện đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp lượng cổ phần rất lớn ở Tập đoàn Masan. Cụ thể, ông Quang đang nắm giữ khoảng 48,5% cổ phần tại CTCP Masan và Xây Dựng Hoa Hướng Dương. Hai doanh nghiệp này lại đang sở hữu trực tiếp 44,7% cổ phần của Tập đoàn Masan.
Ước tính, ông Quang đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp trên 252,2 triệu cổ phiếu MSN, trị giá khoảng 21.700 tỷ đồng. Nếu tính cả 9,4 triệu cổ phiếu TCB đang nắm giữ tại Techcombank, khối tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Đăng Quang là khoảng 22.076 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).
Vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng đang nắm giữ hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN, trị giá gần 3.700 tỷ đồng. Như vậy, khối tài sản của gia đình Chủ tịch Masan đang sở hữu lên tới hơn 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,11 tỷ USD.
Dự đoán nhiều tỷ phú USD “ngầm”
Một cái tên khác không thể không nhắc đến với tài sản tỷ USD là gia đình ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank. Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu khoảng 14.900 tỷ đồng tại Masan thông qua Masan Corp. Bên cạnh đó, ông Hùng Anh và gia đình đang sở hữu khoảng 16.400 tỷ tài sản cổ phiếu tại Techcombank. Tính chung, khối tài sản mà nhà ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp là khoảng 32.300 tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank
Riêng ông Hồ Hùng Anh, thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Techcombank và Masan, khối tài sản đã đạt khoảng 22.474 tỷ đồng.
Do cổ phiếu của Techcombank mới chỉ được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018 vừa rồi, nên ông Hồ Hùng Anh cũng là cái tên được kỳ vọng sẽ có tên trong danh sách tỷ phú USD vào thời gian tới.
Ngoài ra, ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát là Trần Quí Thanh cũng là người thường được nhắc đến khi dự đoán về tỷ phú USD mới của Việt Nam. THP là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành giải khát Việt Nam. Cách đây 5 năm, trong năm 2014, công ty này đã đạt doanh thu khoảng 7000 tỷ đồng.
Tốc độ tăng người siêu giàu của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới
Theo báo cáo về người siêu giàu thế giới của World Ultra Wealth Report - Wealth-X công bố giữa năm 2018, người Việt đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng của người siêu giàu (sở hữu tài sản trên 30 triệu USD), đạt 12,7%. Theo tổ chức này, xu hướng giàu lên diễn ra tại Việt Nam là nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, tăng trưởng về hoạt động sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Còn theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) của Knight Frank (Anh), Việt Nam có 200 người siêu giàu trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước, đứng đầu thế giới về tốc độ gia tăng người siêu giàu trong giai đoạn 10 năm 2006 – 2016. Tổ chức này cũng dự báo rằng trong một thập niên tới, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người và số triệu phú ở VN sẽ tăng từ 14.300 lên 38.600.
Nhờ đà tăng giá của các cổ phiếu bluechips, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà leo dốc từ đầu năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.